Nữ “Tỷ phú” dưới chân đèo Pha Đin
Lượt xem: 656
Chị Nguyễn Thị Bình, Giám đốc HTX Chanh leo Thuận Châu, đồng thời là Phó Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận (xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu) - Nữ “Tỷ phú” luôn nhạy bén, năng động, dám nghĩ, dám làm, đã cùng các thành viên phát triển mô hình HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả, đem lại giá trị cho sản phẩm chè và chanh leo, mở ra hướng phát triển kinh tế bền vững cho nông dân Phổng Lái.    

Nâng tầm thương hiệu sản phẩm chè


Nằm dưới chân đèo Pha Đin, xã Phổng Lái có điều kiện tự nhiên thuận lợi, người dân nơi đây đã phát triển đa dạng các loại cây trồng, trong đó cây chè nổi lên trở thành loại cây trồng chủ lực. Dịp này chúng tôi trở lại thăm xưởng chế biến chè của HTX Bình Thuận chứng kiến không khí làm việc khẩn trương của công nhân trên dây chuyền chế biến chè, những búp chè xanh non trải qua vài công đoạn đầu sơ chế, qua lửa đã dậy mùi thơm lan tỏa khắp xưởng chế biến. Nhận thấy sự có mặt của chúng tôi, chị Bình niềm nở bắt tay mời chúng tôi trở lại căn nhà phía trước xưởng chế biến thưởng thức 2 loại chè mới là chè Trọng Nguyên và chè hữu cơ của HTX để so sánh chất lượng, hương vị của mỗi loại.



Cánh đồng chè nguyên liệu của HTX sản xuất kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận, xã Phổng Lái (Thuận Châu).


Nhâm nhi thưởng thức chè đặc sản của HTX, chúng tôi bắt đầu câu chuyện, chị Bình kể: Những năm 1960, bố mẹ chị từ Thái Bình lên vùng đất Phổng Lái xa xôi để khai hoang, lập nghiệp. Đến năm 1971 chị được sinh ra ở Phổng Lái và gắn bó với đồng đất ở đây đến tận bây giờ. Những cánh đồng chè xanh mướt, trải dài đã in sâu vào ký ức tuổi thơ, cũng là niềm đam mê thôi thúc chị gắn bó, đưa cây chè trở thành loại cây trồng chủ lực ở nơi đây.


Trong mạch câu chuyện, chị Bình nhớ lại: HTX Bình Thuận được thành lập tháng 10/2013, chị được tín nhiệm bầu làm Phó Giám đốc HTX, khi đó HTX chỉ sơ chế rồi xuất khẩu sản phẩm chè thô sang thị trường Đài Loan thông qua một đơn vị trung gian. Cuối năm 2018, được sự hỗ trợ của tỉnh và huyện, HTX bắt đầu chế biến các sản phẩm chè đóng gói bán ra thị trường nội địa. Đến năm 2019, tham gia chương trình OCOP của tỉnh, HTX được hỗ trợ xây dựng thương hiệu “Chè Trọng Nguyên” và xuất bán được 7,8 tấn chè đóng gói tại thị trường Hà Nội và một số tỉnh lân cận với giá trung bình 300.000 đồng/kg, cao hơn gấp 6-8 lần so với các niên vụ trước, đây là tín hiệu vui và bước tiến mới của HTX trong việc đưa các sản phẩm mới ra thị trường, từng bước nâng cao giá trị chè. Các sản phẩm chính của HTX, gồm: Chè kim tuyên, shan tuyết, chè lai F1, F2, 100% chè sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn. Dây chuyền sản xuất có công suất 20 tấn chè búp tươi/ngày, tương đương khoảng 4 tấn chè khô thành phẩm.


Sau hơn 7 năm đi vào hoạt động, HTX Bình Thuận hiện có 9 thành viên đang liên kết với gần 400 hộ dân trồng và chăm sóc chè, HTX thường xuyên sử dụng 30 lao động địa phương với mức lương từ 5-6 triệu đồng/tháng. Trung bình mỗi năm, HTX bao tiêu khoảng 2.500 tấn chè búp tươi cho bà con trong khu vực, sản xuất 500 tấn chè khô cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu sang thị trường Đài Loan. Năm 2019, doanh thu của HTX trên 19 tỷ đồng.



Chị Nguyễn Thị Bình giới thiệu sản phẩm chè Trọng Nguyên tại Hội nghị đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh Sơn La năm 2019.


Thưởng thức 2 chén chè Trọng Nguyên và chè hữu cơ, cảm nhận chè Trọng Nguyên có hương thơm dịu, vị chát, ngọt hậu đặc trưng, nước xanh tự nhiên còn chè hữu có vị đắng chát nhẹ hơn. Chị Bình cho biết thêm: Để có được sản phẩm chè mang thương hiệu Trọng Nguyên đúng chất, chè được chế biến qua công đoạn sao diệt men, sau đó được đưa vào máy vò hoặc chảo vò thủ công; tiếp đến là công đoạn sấy, kết hợp sấy một lượt trên máy sấy băng tải, khi độ ẩm còn khoảng 33-36% thì cho vào quả tôn quay để sao. Đây là quá trình sao khô, độ ẩm sản phẩm còn khoảng 3-5% là đạt tiêu chuẩn.


Để nâng tầm thương hiệu chè Trọng Nguyên, đưa sản phẩm cây chè ở Phổng Lái vươn xa ra thị trường thế giới, HTX đang đầu tư thiết bị máy móc hiện đại, tiên tiến; xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo chất lượng an toàn, áp dụng quy trình VietGAP; sản xuất thử nghiệm 10 ha chè theo hướng hữu cơ, từ đó đánh giá hiệu quả và nhân rộng... nhằm tạo ra các sản phẩm trà chất lượng cao, phục vụ nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.


Đồng hành cùng xã viên


Ngoài cây chè, nhận thấy cây chanh leo ở Mộc Châu rất hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở Phổng Lái, chị Bình đã liên kết các hộ dân để thành lập HTX Chanh leo Thuận Châu và đảm nhận vai trò Giám đốc HTX. Giúp người dân có giống cây chất lượng đưa vào sản xuất, chị còn chủ động liên kết với Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc ký hợp đồng cung cấp giống, bao tiêu, cam kết giá thu mua bảo hiểm cho người dân trồng chanh leo.


Đưa chúng tôi đi thăm những vườn chanh leo đang vào mùa thu hoạch sai trĩu quả, chị Bình nhớ lại: Năm 2017, sau khi thành lập HTX xong, khó khăn nhất thời điểm đó là cây chanh leo được đưa vào trồng ở các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, nên ngoài thiếu vốn đầu tư ban đầu thì việc hạn chế trong kỹ thuật chăm sóc cây trồng là rào cản lớn. Nhưng mình đã quyết tâm, nên đã vận động người dân cùng làm kinh tế, cùng cán bộ kỹ thuật của Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc trực tiếp xuống từng nhà dân hướng dẫn cách đào hố, xuống giống để trồng chanh. Đến khi chanh ra hoa, kết trái, lại có mặt cùng người dân chăm sóc, tạo giàn, hướng dẫn biện pháp phòng trừ sâu bệnh để chanh đậu quả. Vượt qua khó khăn, giờ đây HTX đã có 70 ha trồng chanh leo, sản lượng trung bình khoảng 20 tấn quả/ha/năm. Với mức giá dao động từ 5.000 đồng - 30.000 đồng/kg tùy loại chanh leo, đem lại nguồn thu nhập khá giúp nhiều gia đình  xã Phổng Lái thoát nghèo. Điều phấn khởi nhất là, chanh leo của HTX sản xuất không sợ được mùa mất giá, vì bà con đang tham gia sản xuất chanh leo theo chuỗi, hàng năm Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc sẽ bao tiêu sản phầm cho bà con.


 

Thành viên HTX Chanh leo Thuận Châu thu hái quả chanh leo.


Để phát huy tối đa hiệu quả của cây chanh leo, chị Bình cùng các thành viên của HTX Chanh leo Thuận Châu đã nghiên cứu sản xuất nước chanh leo cô đặc. Quả chanh leo được rửa sạch, hút phần dịch bên trong rồi trộn với đường, mật ong đem đun sôi thành nước cốt đặc biệt thơm ngon, khi mang sản phẩm nước cốt chanh leo giới thiệu tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh, bước đầu được người tiêu dùng đón nhận.


Anh Lường Thanh Tân, Chủ tịch UBND xã Phổng Lái, cho biết: Chị Bình là người dám nghĩ, dám làm, luôn gương mẫu, đi đầu trong phát triển kinh tế. Đồng thời, là tấm gương sáng trong vận động bà con thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, trong công cuộc thực hiện di dân tái định cư thủy điện Sơn La, năm 2015 gia đình chị đã nhường 5 ha đất sản xuất cho người dân Quỳnh Nhai về tái định cư, trong những ngày cao điểm di chuyển dân, hàng tháng trời ròng rã, chị Bình cùng với nhiều người dân sở tại khác có mặt tại các gia đình tái định cư để giúp người dân dựng nhà, chia sẻ những khó khăn ban đầu và động viên người dân tái định cư yên tâm sinh sống trên quê mới. Bằng những đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế, chị Nguyễn Thị Bình và các HTX do chị phụ trách đã được Trung ương, tỉnh, huyện tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen và biểu dương nhiều lần tại các hội nghị cấp tỉnh, huyện.


Chia tay nữ “Tỷ phú” bên đồng chè xanh ngát dưới chân đèo Pha Đin chúng tôi cảm nhận thấy ở chị một người phụ nữ đầy nhiệt huyết đang ngày đêm quyết tâm cùng các thành viên HTX Chanh leo Thuận Châu và HTX sản xuất kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận, đồng hành giúp đồng bào các dân tộc vùng cao vươn lên làm giàu trên vùng đất giàu truyền thống cách mạng.

Nguồn: Báo Sơn La

Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Trong tháng: 1
  • Trong năm: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập