Đề cương tuyên truyền thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp trên địa bàn tỉnh
Lượt xem: 35
Để kịp thời thông tin, tuyên truyền giúp cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trên địa bàn tỉnh hiểu đúng các quan điểm, chủ trương, phương án và lộ trình về sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Đề cương tuyên truyền với các nội dung cụ thể như sau:


         I. CƠ SỞ CHÍNH TRỊ, PHÁP LÝ BAN HÀNH ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN
- Nghị quyết số 74/NQ-CP, ngày 07/4/2025 của Chính phủ về ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp ĐVHC và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp;
- Nghị quyết số 60-NQ/TW, ngày 12/4/2025 Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII;
- Quyết định số 759/QĐ-TTg, ngày 14/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại ĐVHC các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp;
- Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 về sắp xếp ĐVHC năm 2025;
- Các kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị; Thông báo số 165-TB/VPTW, ngày 08/4/2025 của Văn phòng Trung ương Đảng về Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm trong chuyến thăm và làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam;
- Các kế hoạch, Đề án, phương án của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về sắp xếp ĐVHC và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp.
II. SẮP XẾP ĐVHC VÀ XÂY DỰNG MÔ HÌNH TỔ CHỨC CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG 02 CẤP - CUỘC CÁCH MẠNG CHO TẦM NHÌN 100 NĂM PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC
1. Tầm quan trọng, mục tiêu, ý nghĩa việc thực hiện chủ trương sắp xếp ĐVHC các cấp và xây dựng, triển khai thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp
Chủ trương sáp nhập ĐVHC cấp tỉnh, tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp và sắp xếp lại ĐVHC cấp xã là một định hướng lớn, mang tầm chiến lược của Trung ương đang được triển khai khẩn trương, kiên quyết, dứt khoát, trên cơ sở tham vấn rộng rãi, đặt sự đồng thuận làm nền tảng. Đây là một cuộc cách mạng, là bước đột phá về thể chế, chuẩn bị cho “tầm nhìn 100 năm” phát triển đất nước. 
Mục tiêu cao nhất của việc sắp xếp ĐVHC là nhằm phát triển đất nước, mở rộng không gian phát triển cho ĐVHC mới, phát huy vai trò dẫn dắt của các vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng; ưu tiên sắp xếp các ĐVHC miền núi, đồng bằng với các ĐVHC có biển; kết hợp hài hòa, hợp lý các ĐVHC có vị trí liền kề gắn với yêu cầu định hướng phát triển để hỗ trợ lẫn nhau, cùng thúc đẩy phát triển kinh tế của ĐVHC sau sắp xếp và yêu cầu, định hướng phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong giai đoạn mới.
 Sắp xếp ĐVHC và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp là yêu cầu cấp thiết, tất yếu nhằm tái định vị không gian phát triển tự nhiên và kinh tế, gắn kết về lịch sử, văn hóa, địa lý để hình thành nên một thực thể hành chính - kinh tế có quy mô đủ lớn; từ đó, mở rộng tầm phát triển đi đôi với đổi mới, nâng cao năng lực quản trị đủ mạnh, có sức cạnh tranh cao để hội nhập chuỗi giá trị quốc gia và toàn cầu. Tạo điều kiện để địa phương và đất nước ta phát triển đồng đều hơn, hình thành các trung tâm kinh tế mới có sức cạnh tranh cao hơn ở cả tầm khu vực và quốc tế. Quan trọng hơn là để hướng tới mục tiêu hình thành chính quyền số, quản trị số, phát triển đô thị thông minh, vùng kinh tế tích hợp và hành chính linh hoạt giúp giao dịch hành chính được xử lý nhanh, minh bạch, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân và doanh nghiệp theo quan điểm “cái mới phải tốt hơn cái cũ”, Nhân dân phải được phục vụ tốt hơn.
2. Định hướng thực hiện sắp xếp ĐVHC các cấp và xây dựng, tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp
2.1. Về định hướng sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh
- Về tiêu chí: Đảm bảo thực hiện theo 06 tiêu chí sau: (1) Diện tích tự nhiên. (2) Quy mô dân số. (3) Tiêu chí về lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc (4) Tiêu chí về địa kinh tế. (5) Tiêu chí về địa chính trị. (6) Tiêu chí về quốc phòng, an ninh. 
- Về số lượng: Số lượng ĐVHC cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 đơn vị; trong đó, 28 tỉnh và 06 thành phố trực thuộc Trung ương.
- Về lộ trình: Dự kiến đến ngày 01/7/2025 sẽ vận hành cấp xã mới, không tổ chức cấp huyện và ngày 01/9/2025 sẽ vận hành các tỉnh, thành phố mới.
- Về tổ chức chính quyền địa phương cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương): Chính quyền địa phương cấp tỉnh gồm có hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tổ chức 03 - 04 ban chuyên môn giúp việc. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức 14 sở và tương đương (riêng thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh tổ chức 15 sở và tương đương).
- Về nguyên tắc xác định tên gọi: Tên gọi ĐVHC sau sắp xếp được nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, cân nhắc thận trọng các yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hóa. Ưu tiên sử dụng một trong các tên gọi của các ĐVHC trước khi sáp nhập để đặt tên cho ĐVHC hình thành mới, hạn chế tối đa tác động, ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp do phải chuyển đổi giấy tờ, chỉ dẫn địa lý liên quan đến ĐVHC cấp tỉnh. Tên gọi của ĐVHC mới cần dễ nhận diện, ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ, bảo đảm tính hệ thống, khoa học và phát huy được lợi thế so sánh của địa phương, phù hợp với xu thế hội nhập. Cấp ủy, chính quyền địa phương thống nhất nhận thức, có trách nhiệm tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân địa phương; góp phần giữ gìn, phát huy được giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa và tinh thần đoàn kết của Nhân dân đối với ĐVHC mới sau sắp xếp. 
- Về nguyên tắc xác định trung tâm hành chính - chính trị (HC-CT): (1) Lựa chọn trung tâm HC-CT của 01 trong số các ĐVHC hiện nay là trung tâm HC-CT của ĐVHC mới để bảo đảm chính quyền địa phương nhanh chóng đi vào hoạt động ổn định. (2) Trung tâm HC-CT của ĐVHC mới có vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông phát triển (sân bay, đường bộ, cảng...), dễ dàng kết nối với các khu vực trong nội tỉnh, thành phố và các đô thị lớn, trung tâm kinh tế của cả nước hoặc với hệ thống không gian biển. (3)Trung tâm HC-CT mới cần có không gian phát triển trong tương lai; phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của ĐVHC mới, bảo đảm hài hòa, hợp lý, tránh sự mất cân đối giữa các địa phương khi sáp nhập và giữ vững quốc phòng, an ninh. (4) Sau khi ĐVHC mới đi vào hoạt động ổn định, có thể nghiên cứu quy hoạch, xây dựng các trung tâm HC-CT mới hợp lý, phù hợp với xu thế phát triển chung của địa phương và tạo ra không gian phát triển mới. Cấp ủy, chính quyền địa phương thống nhất nhận thức, có trách nhiệm, tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân địa phương.
(Kèm theo Danh sách tên gọi các tỉnh, thành phố và Trung tâm hành chính - chính trị của 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh)
2.2. Về định hướng sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã
- Về tiêu chí, tiêu chuẩn: (1) Xã miền núi, vùng cao hình thành sau sắp xếp có diện tích tự nhiên đạt từ 200% trở lên và quy mô dân số đạt từ 100% trở lên. (2) Xã hình thành sau sắp xếp không thuộc trường hợp nêu trên có quy mô dân số đạt từ 200% trở lên và diện tích tự nhiên đạt từ 100% trở lên. (3) Phường hình thành sau sắp xếp thuộc thành phố trực thuộc Trung ương có quy mô dân số từ 45.000 người trở lên; phường thuộc tỉnh hình thành sau sắp xếp ở khu vực miền núi, vùng cao, biên giới có quy mô dân số từ 15.000 người trở lên; các phường còn lại có quy mô dân số từ 21.000 người trở lên; diện tích tự nhiên đạt từ 5,5 km2 trở lên. (4) Việc sắp xếp ĐVHC cấp xã thuộc ĐVHC cấp huyện ở hải đảo phải bảo đảm quốc phòng, an ninh theo định hướng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. (5) Trường hợp sắp xếp từ 03 ĐVHC cấp xã trở lên thành 01 xã, phường mới thì không phải xem xét, đánh giá tiêu chuẩn. (6) Trường hợp ĐVHC cấp xã hình thành sau sắp xếp không thể đáp ứng các định hướng về tiêu chuẩn quy định mà không thuộc trường hợp quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp ĐVHC năm 2025 thì Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Bên cạnh việc bám sát các tiêu chí về diện tích tự nhiên hoặc quy mô dân số, cần cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, liên kết tiểu vùng, quy mô, trình độ phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự xã hội, hạ tầng giao thông và công nghệ thông tin phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước và quy mô, trình độ phát triển kinh tế - xã hội.
- Về nguyên tắc sắp xếp, tổ chức lại ĐVHC cấp xã: Sắp xếp, tổ chức lại các ĐVHC cấp xã hiện nay theo hướng bỏ cấp trung gian (cấp huyện), hình thành các ĐVHC cấp xã mới (gồm xã, phường và đặc khu). ĐVHC cấp xã sau sắp xếp phải đảm bảo chính quyền địa phương cấp xã quản lý hiệu quả địa bàn, nắm chắc tình hình, gần dân, sát dân, phục vụ Nhân dân tốt nhất. Trường hợp sắp xếp phường với các ĐVHC cùng cấp thì ĐVHC sau sắp xếp là phường; trường hợp sắp xếp xã, thị trấn thì ĐVHC mới sau sắp xếp là xã. Chuyển các huyện đảo, thành phố đảo hiện nay thành ĐVHC cấp xã có tên gọi là đặc khu. Không bắt buộc sắp xếp đối với các ĐVHC cấp xã có vị trí biệt lập và khó tổ chức giao thông kết nối với các ĐVHC liền kề hoặc có vị trí đặc biệt quan trọng ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh và việc bảo vệ chủ quyền quốc gia. Đồng thời, phải bảo đảm tương quan hợp lý, tránh tạo sự giãn cách, chênh lệch lớn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số giữa các xã, phường mới sau sắp xếp.
- Về số lượng: ĐVHC cấp xã sau sáp nhập (xã, phường, đặc khu trực thuộc tỉnh, thành phố) bảo đảm cả nước giảm khoảng 60 - 70% số lượng ĐVHC cấp xã so với hiện nay.
- Về lộ trình: Dự kiến đến ngày 30/6/2025 cả nước hoàn thành việc sắp xếp ĐVHC cấp xã.
- Về tổ chức chính quyền địa phương cấp xã: Chính quyền địa phương cấp xã có hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân. Hội đồng nhân dân cấp xã tổ chức 02 ban chuyên môn giúp việc; ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức 04 phòng chuyên môn và tương đương. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Chính phủ; đẩy mạnh phân cấp cho chính quyền địa phương cấp xã theo năng lực và yêu cầu quản lý.
- Về nguyên tắc xác định tên gọi cấp xã: Nghiên cứu đặt tên xã, phường theo số thứ tự hoặc theo tên của ĐVHC cấp huyện (trước sắp xếp) có gắn với số thứ tự để thuận lợi cho việc số hóa, cập nhật dữ liệu thông tin. Tên của xã, phường mới sau sắp xếp không được trùng với tên của ĐVHC cùng cấp hiện có trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc phạm vi tỉnh, thành phố dự kiến thành lập theo định hướng sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc đặt tên của ĐVHC cấp xã sau sắp xếp cần dễ nhận diện, ngắn gọn, khoa học. Cấp ủy, chính quyền địa phương thống nhất nhận thức, có trách nhiệm, tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân địa phương.
III. VIỆC SÁP NHẬP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH TỈNH QUẢNG NAM VÀ THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
1. Tầm quan trọng, mục tiêu, ý nghĩa và lợi ích của việc hợp nhất tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng
1.1. Đặc điểm, tình hình chung và cụ thể của 02 địa phương
Trong lịch sử, 02 địa phương: Tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng vốn là một nên việc hợp nhất hai địa phương là rất phù hợp và rất cần thiết nhằm mở rộng không gian phát triển, cùng nhau tạo ra sức mạnh phát triển mới. Hiện nay, đối với tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, mỗi địa phương đều đang tồn tại những vấn đề (trong đó: (1)- Đối với Đà Nẵng đang đứng trước thách thức với nền kinh tế quy mô nhỏ, GRDP của Đà Nẵng chỉ chiếm 1,5% GDP của cả nước; chưa có nhiều tập đoàn lớn đầu tư; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đã được chú trọng nhưng chưa tạo thành động lực phát triển; vai trò kết nối vùng của Đà Nẵng, đặc biệt là kết nối với Quảng Nam và các địa phương khác ở miền Trung chưa được phát huy đầy đủ. (2)- Đối với Quảng Nam cũng có những hạn chế, với 06 huyện miền núi cao, đời sống người dân còn nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo còn cao, thiên tai bão lũ phức tạp, thường xuyên; hạ tầng còn nhiều tồn tại; chất lượng đội ngũ cán bộ còn hạn chế, nhất là vùng miền núi, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa nhiều). Như vậy, so sánh giữa hai địa phương, ưu thế của địa phương này sẽ hỗ trợ cho địa phương kia. Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu, triển khai các mô hình mới, kể cả việc điều chỉnh ĐVHC đã trở thành yêu cầu cấp thiết để mở rộng dư địa tăng trưởng, tái cấu trúc không gian phát triển. Đà Nẵng - Quảng Nam mới phải phát huy tốt hơn tiềm năng, lợi thế vốn có của hai địa phương.
1.2. Hợp nhất Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng - Cơ hội lịch sử và định hướng phát triển theo tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm
Từ những bất cập, hạn chế của Quảng Nam và Đà Nẵng hiện nay, việc hợp nhất tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng là đúng, trúng về mặt thời gian và không gian; là cơ hội lịch sử; phù hợp về tính văn hóa, lịch sử; đảm bảo cho tương lai nhằm mở rộng không gian phát triển, cùng nhau tạo ra sức mạnh phát triển mới. Tái định vị không gian phát triển tự nhiên về kinh tế, gắn kết lịch sử, văn hóa và địa lý; từ đó, mở rộng tầm nhìn phát triển, hình thành nên thực thể hành chính kinh tế có quy mô đủ lớn, năng lực quản trị đủ mạnh, cạnh tranh cao để hội nhập sâu vào chuỗi giá trị quốc gia cũng như toàn cầu. Hướng tới mục tiêu hình thành chính quyền số, quản lý số, phát triển đô thị thông minh, vùng kinh tế tích hợp và hành chính linh hoạt giúp giao lưu hành chính được xử lý nhanh, minh bạch, tiết kiệm thời gian và chi phí cho Nhân dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, phát huy nguồn nhân lực, tài lực vốn có của Đà Nẵng để đầu tư cơ sở hạ tầng (điện, đường, trường, trạm), xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng trung du, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nhất là tại 06 huyện miền núi của Quảng Nam hiện nay. Việc sáp nhập Quảng Nam và Đà Nẵng có cơ hội, môi trường, nguồn lực đầu tư cho công tác giữ gìn và phát huy bản sắc con người xứ Quảng trung dũng, kiên cường, sáng tạo gắn với xây dựng con người thành phố hiện đại, giàu bản sắc, nhân văn, sáng tạo, tri thức cao, văn hóa cao, thu nhập cao, quản trị cao, chất lượng sống cao.
Việc hợp nhất tỉnh Quảng Nam với thành phố Đà Nẵng thành thành phố Đà Nẵng nhằm phát huy tiềm năng và lợi thế vốn có của cả hai địa phương. Phấn đấu xây dựng thành phố Đà Nẵng (mới) phải trở thành cực tăng trưởng của Việt Nam, có năng lực cạnh tranh cao ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Tiếp tục định hình thành phố Đà Nẵng (mới) trở thành “trung tâm đổi mới sáng tạo, công nghệ cao và khởi nghiệp quốc gia”, tiên phong trong các lĩnh vực mới như: Kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế biển; triển khai mô hình “Chính quyền số - Đô thị thông minh - Nền hành chính hiện đại”; xây dựng chính sách nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thu hút nhân tài; xây dựng đội ngũ cán bộ chất lượng cao và tổ chức đảng gắn với mô hình quản trị mới; tiếp tục nâng cao, có nhiều nguồn lực để chăm lo đời sống người dân, xóa đói, giảm nghèo, tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương, thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển; tăng cường năng lực quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trong mọi tình huống; tăng cường liên kết vùng để phát triển theo tư duy “không biên giới hành chính” giữa các địa phương. Cần định vị thành phố Đà Nẵng (mới) không chỉ là trung tâm kinh tế - xã hội của miền Trung mà còn thể hiện vai trò tiên phong dẫn dắt các địa phương khác trong quá trình phát triển hiện đại; cần đẩy mạnh tái cấu trúc kinh tế theo hướng nâng cao năng suất lao động và phát huy những tiềm năng, lợi thế; xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế, Khu thương mại tự do, đô thị biển hiện đại, trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch di sản chất lượng cao… Với không gian phát triển mới, cần xác định rõ vai trò và lợi thế chiến lược riêng như: Cực phát triển công nghiệp, logistics (Chu Lai), trung tâm du lịch văn hóa - sinh thái (Hội An - Mỹ Sơn), khu vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… Quy hoạch tổng thể phải bảo đảm phát triển cân bằng, không để xảy ra tình trạng tập trung quá mức vào Đà Nẵng mà lãng quên tiềm năng quý báu của Quảng Nam.
Từ những kết quả đã đạt được của 02 địa phương, với những bước đột phá đã triển khai thực hiện và việc hợp nhất Quảng Nam và Đà Nẵng là cơ hội, sứ mệnh lịch sử cho việc xây dựng thành phố Đà Nẵng (mới) thành trung tâm kinh tế, văn hóa, đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực, có tầm nhìn dài hạn. Thành phố Đà Nẵng sau hợp nhất không chỉ là thành phố đáng sống mà trở thành thành phố tiên phong, sáng tạo, dẫn dắt; thành phố tiếp tục kế thừa những định hướng phát triển, những cơ chế, chính sách đặc thù hiện có để phát triển, xứng tầm quốc gia và quốc tế.
1.3. Về dự kiến tên gọi và địa điểm đặt trung tâm HC-CT (theo Nghị quyết số 60-NQ/TW, ngày 12/4/2025 Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII) 
1.3.1. Về dự kiến tên gọi: Sáp nhập tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng thành 01 thành phố trực thuộc Trung ương có tên gọi là thành phố Đà Nẵng.
1.3.2. Về dự kiến địa điểm đặt trung tâm HC-CT: Tại thành phố Đà Nẵng hiện nay.
Về tên gọi và địa điểm đặt trung tâm HC-CT là 02 nội dung nhận được sự quan tâm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân tỉnh nhà trong suốt thời gian qua và đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy có văn bản tổng hợp, đề xuất, kiến nghị. Những đề xuất, kiến nghị của tỉnh ta nói riêng và nhiều tỉnh trong phạm vi cả nước nói chung đã được Trung ương tổng hợp đầy đủ và phân tích thấu đáo. Tuy nhiên, qua căn cứ các tiêu chí, nguyên tắc về đặt tên gọi, địa điểm đặt trung tâm HC-CT và bối cảnh, yêu cầu tình hình thực tiễn hiện nay, Trung ương thống nhất dự kiến tên gọi và dự kiến đặt trung tâm HC-CT đối với 02 địa phương (tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng) như đã nêu trên.
IV. DƯ LUẬN XÃ HỘI VÀ QUYẾT TÂM CHÍNH TRỊ ĐỐI VỚI VIỆC THỰC HIỆN SẮP XẾP ĐVHC VÀ XÂY DỰNG TỔ CHỨC CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG 02 CẤP
Có thể nói, cuộc cách mạng về cải cách tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị của đất nước, tỉnh ta đã và đang nhận được sự quan tâm của cán bộ, đảng viên, công chức và các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh sự kỳ vọng, đồng thuận, còn có nhiều băn khoăn, lo lắng về việc dôi dư cán bộ, công chức, thất nghiệp; việc sáp nhập sẽ khó khăn về môi trường, điều kiện làm việc, đi lại; chế độ, chính sách có liên quan; việc làm thủ tục hồ sơ, thay đổi giấy tờ pháp lý; việc đặt tên và nơi đặt trụ sở đơn vị hành chính mới…Đối với những dư luận, tâm tư, tình cảm, phản ánh, kiến nghị của các tầng lớp nhân dân đã, đang và sẽ được cấp ủy đảng, chính quyền từ Trung ương đến cơ sở lắng nghe, tiếp thu, ghi nhận, nghiên cứu và có giải pháp đồng bộ để giải quyết. Việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy là công việc khó khăn, nhạy cảm, phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi cán bộ, công chức, viên chức và ảnh hưởng ít nhiều đến người dân, doanh nghiệp… 
Tuy nhiên, tinh gọn bộ máy, sắp xếp ĐVHC là xu thế thời đại và là đòi hỏi tất yếu từ thực tiễn của đất nước, của địa phương trong việc khắc phục bất cập về thể chế, điểm nghẽn, chống sự lãng phí nguồn lực; yếu kém trong quản lý. Đây là một cuộc cách mạng, chuẩn bị cho “tầm nhìn 100 năm” phát triển đất nước; là tiền đề, điều kiện, cơ sở để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Chính vì vậy,  Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhấn mạnh: Việc tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là quyết sách chiến lược chưa từng có với mục tiêu cao nhất: Vì sự phát triển nhanh, ổn định, bền vững của đất nước, chăm lo tốt hơn đời sống của Nhân dân, xây dựng bộ máy chính quyền tinh gọn, chuyển từ quản lý thụ động sang chủ động phục vụ Nhân dân, kiến tạo phát triển, đủ năng lực tổ chức triển khai có hiệu quả các chủ trương của Đảng vào thực tiễn cuộc sống trong kỷ nguyên phát triển và thịnh vượng. Việc sắp xếp ĐVHC địa phương lần này được xây dựng trên tinh thần khoa học, đột phá, sáng tạo, bám sát thực tiễn với tầm nhìn xa, trông rộng, ít nhất là 100 năm, bảo đảm hình thành và mở rộng không gian phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa mới phù hợp cho phát triển đất nước. Chính quyền địa phương sau sắp xếp phải bảo đảm tinh gọn, hiệu quả, gần dân, đáp ứng các yêu cầu quản trị xã hội hiện đại, thực hiện được các mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững; tạo thế và lực mới cho nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại; tạo đà và động lực cho phát triển kinh tế; trong đó, chú trọng thúc đẩy kinh tế tư nhân; đẩy nhanh phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; chăm lo ngày một tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh kêu gọi các cấp ủy, chính quyền, cả hệ thống chính trị và toàn thể Nhân dân trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thể hiện tinh thần trách nhiệm, tạo sự đồng thuận và quyết tâm cao trong việc thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng, Nhà nước đối với cuộc cách mạng quan trọng này.

 

Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Trong tháng: 1
  • Trong năm: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập