ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 75 NĂM THÀNH LẬP ĐẢNG BỘ HUYỆN THUẬN CHÂU (01/12/1949 - 01/12/2024), 72 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG HUYỆN THUẬN CHÂU (21/11/1952 - 21/11/2024)
Lượt xem: 195
  Thuận Châu là vùng đất có nhiều di tích văn hoá, lịch sử, cách mạng. Cùng với thời gian, Nhân dân các dân tộc huyện Thuận Châu đã viết nên lịch sử của mình bằng tình yêu quê hương, đất nước, sự lao động cần cù, sáng tạo. Những trang sử của quê hương Thuận Châu càng rực rỡ hơn, đậm nét hơn khi ánh sáng của Đảng Cộng sản Việt Nam soi rọi tới vùng đất Tây Bắc giàu truyền thống tốt đẹp này.

           

 
anh tin bai

 

I- QUÁ TRÌNH VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP ĐẢNG BỘ HUYỆN THUẬN CHÂU

Trong thời kỳ dựng nước, địa bàn huyện Thuận Châu ngày nay thuộc bộ Tân Hưng - là một trong 15 bộ của nước Văn Lang. Từ tên gọi là Mường Muổi lúc đầu, đến thời Trần đổi thành Châu Thuận Mỗi, đến đời Lê đổi tên thành Thuận Châu. Phạm vi Thuận Châu đến thời kỳ này vẫn rất rộng, bao gồm cả vùng đất từ Mai Sơn đến Tuần Giáo (Điện Biên Phủ ngày nay). Đến đời Lê Trung Hưng, Thuận Châu được tách ra, thành Thuận Châu và ba châu mới là Mai Sơn, Sơn La, Tuần Giáo. Ngày 27-2-1892, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập một tiểu quân khu trực thuộc đạo Quan binh thứ tư Sơn La[1]. Thủ phủ của tiểu quân khu đặt ở Vạn Bú nên được gọi là Tiểu quân khu Vạn Bú. Thuận Châu được tách ra từ tỉnh Hưng Hóa cùng với các châu Sơn La, Châu Yên, Mai Sơn, Tuần Giáo, Điện Biên hợp thành phủ Sơn La thuộc Tiểu quân khu Vạn Bú[2]. Ngày 10-10-1895, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định chuyển Tiểu quân khu Vạn Bú (thuộc đạo quan binh thứ tư) thành tỉnh Vạn Bú. Châu Thuận (Thuận Châu) là một đơn vị hành chính thuộc tỉnh Vạn Bú. Ngày 23-8-1904 Toàn quyền Đông Dương ra nghị định đổi tên Phái bộ chính phủ ở Vạn Bú thành Phái bộ chính phủ ở Sơn La[3]; do đó, tên tỉnh Vạn Bú được đổi thành tỉnh Sơn La. Châu Thuận cùng với các châu: Mai Sơn, Châu Mộc, Mường La, Châu Yên, Phù Yên, Tuần Giáo, Điện Biên, Châu Lai, Quỳnh Nhai, phủ Luân Châu thuộc tỉnh Sơn La. Địa giới hành chính của tỉnh Sơn La sau đó có sự điều chỉnh, song, từ đó đến hết thời kỳ Pháp thuộc, Châu Thuận (Thuận Châu) luôn là một đơn vị hành chính thuộc tỉnh Sơn La[4] (đầu năm 1953 đến tháng 2/1953 huyện Thuận Châu (thuộc tỉnh Lai Châu) trở về trực thuộc tỉnh Sơn La). Đồng hành cùng lịch sử dân tộc, lịch sử đấu tranh cách mạng, Thuận Châu có nhiều biến đổi về địa giới hành chính và tên gọi, song, luôn là đơn vị hành chính được xác lập từ khá sớm và có tầm quan trọng về nhiều mặt ở khu vực Tây Bắc của Tổ quốc.

Hơn nửa thế kỷ dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, Nhân dân các dân tộc huyện Thuận Châu không cam chịu làm nô lệ, nhiều lần đứng lên khởi nghĩa vũ trang  giành độc lập. Từ 1931- 1937 Nhân dân Thuận Châu cùng với Nhân dân các huyện Mai Sơn, Phù Yên, Mường La, Yên Châu... đã liên tiếp nổi dậy đấu tranh đòi giảm thuế, lấy lại ruộng đất, bãi bỏ quy định hà khắc của chế độ thực dân phong kiến. Nhưng do mang tính tự phát và chưa có tổ chức lãnh đạo nên hầu hết các phong trào yêu nước đều bị thất bại.

 Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, mở ra bước ngoặt lịch sử cho cách mạng Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Nhân dân cả nước đã làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, lập ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà. Từ những ngày đầu chuẩn bị cho công cuộc vùng lên giải phóng khỏi ách cai trị của thực dân Pháp và phong kiến, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Tỉnh bộ Việt Minh Sơn La, chịu ảnh hưởng từ Khu căn cứ Mường Chanh (Mai Sơn), được tuyên truyền giác ngộ cách mạng, phát huy tinh thần yêu nước, ý chí quật cường, Nhân dân các dân tộc Thuận Châu đã vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân vào ngày 23-8-1945 thành công. Nhân dân các dân tộc Thuận Châu từ thân phận nô lệ lên làm chủ cuộc sống, làm chủ bản mường.

Tháng 6/1946, đồng chí Trần Quyết được Trung ương cử lên Sơn La để làm Bí thư Tỉnh ủy. Tháng 10/1946, tại bản Hát Lót, xã Hát Lót, châu Mai Sơn, Hội nghị thành lập Chi bộ Đảng tỉnh Sơn La được triệu tập gồm 08 đồng chí: Trần Quyết, Bùi Thọ Chuyên, Đại Liên, Đồng Lực, Lò Văn Mười, Sơn Nhân, Nguyễn Văn Đức, Cầm Vân. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ, anh dũng chống thực dân Pháp quay trở lại xâm lược, Nhân dân trong huyện đã kháng chiến, kiến quốc với tinh thần quyết tâm giữ vững độc lập tự do và thành quả cách mạng, đồng bào các dân tộc Thuận Châu đã vượt qua mọi khó khăn, cùng với Nhân dân Sơn La hăng hái tham gia chiến đấu tiêu diệt quân thù.

Từ đầu năm 1949, dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh, sự phối hợp với các đơn vị chủ lực của Khu, lực lượng quân sự và cán bộ chính trị được tăng cường đã liên tiếp tấn công vào hậu phương của địch, nơi mà địch cho là an toàn nhất, Nhân dân các dân tộc Thuận Châu cùng các lực lượng vũ trang đã kiên quyết đứng lên đấu tranh liên tiếp tấn công vào sào huyệt của quân địch, việc xây dựng cơ sở kháng chiến và tổ chức các hoạt động đấu tranh vũ trang ở các địa bàn trong huyện diễn ra tương đối thuận lợi. Công tác xây dựng cơ sở kháng chiến, bảo vệ khu căn cứ du kích Long Hẹ và phát động Nhân dân đấu tranh vũ trang cũng có sự phát triển mạnh mẽ; các cơ sở kháng chiến của Thuận Châu dần được mở rộng, lực lượng kháng chiến ngày càng được củng cố, phát triển, góp phần đắc lực vào cuộc kháng chiến anh dũng chống thực dân Pháp của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Sau khi xây dựng được các cơ sở kháng chiến trong Nhân dân, phát động Nhân dân đấu tranh vũ trang, kiểm soát được một số vùng của Thuận Châu, Đảng bộ tỉnh đã chú trọng chỉ đạo củng cố chính quyền dân chủ nhân dân. Tháng 12-1949, Ủy ban kháng chiến hành chính Thuận Châu được thành lập do đồng chí Lương Sơn (tức Lường Xuân Yến) làm Chủ tịch. Cùng với sự phát triển của phong trào kháng chiến, Đảng bộ Thuận Châu cùng hình thành. Trong quá trình kháng chiến, yêu cầu về xây dựng tổ chức Đảng ở Thuận Châu luôn được đặt ra, tuy nhiên, do những nguyên nhân khách quan, nên việc xây dựng tổ chức Đảng ở Thuận Châu gặp rất nhiều khó khăn. Từ giữa năm 1949, dưới sự hoạt động của đội xung phong Quyết Tiến, những cơ sở cách mạng được xây dựng ở Thuận Châu, trên địa bàn Thuận Châu đã có đảng viên hoạt động.

Cũng trong thời gian này, Tỉnh ủy Sơn La đẩy mạnh nhiệm vụ xây dựng Đảng. Sau khi xem xét tình hình cụ thể ở Thuận Châu, do địa phương chưa đủ điều kiện để thành lập một Ban Huyện ủy, song, trước yêu cầu bức thiết về xây dựng tổ chức Đảng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trên địa bàn này, Tỉnh ủy đã cử một đồng chí làm Huyện ủy viên của Thuận Châu, trực tiếp làm công tác đảng vụ[5]. Từ sự phát triển của phong trào kháng chiến, sự hình thành của các cơ sở cách mạng, sự hoạt động của các đảng viên, đặc biệt là sự phân công đảng viên thực hiện nhiệm vụ của cấp ủy cấp huyện, Đảng bộ Thuận Châu hình thành vào tháng 12-1949[6]. Sự hình thành Đảng bộ huyện Thuận Châu vừa là kết quả vừa là đáp ứng nhu cầu lãnh đạo phong trào kháng chiến ngày càng phát triển ở Thuận Châu. Tỉnh ủy Sơn La chủ trương thành lập Ban Cán sự Đảng Thuận Châu. Ngày 1-1-1950, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã họp và phân công đồng chí Đỗ Anh Châu - Tỉnh ủy viên làm trưởng Ban cán sự trực tiếp chỉ đạo phong trào kháng chiến ở Thuận Châu[7].

II- QUÁ TRÌNH ĐẢNG BỘ LÃNH ĐẠO SỰ NGHIỆP ĐẤU TRANH GIẢI PHÓNG VÀ XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG (1949 - 1975)

Bước vào năm 1950, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương và Liên khu X, các đại đội độc lập trên địa bàn Sơn La rút về để xây dựng trung đoàn chủ lực. Trên chiến trường Thuận Châu chỉ còn Đại đội 438 (Trung Dũng) đứng chân ở Long Hẹ và Mường Bám với nhiệm vụ tiến lên Điện Biên và một trung đội bộ đội địa phương, một số trung đội du kích. Do vậy, cuộc kháng chiến của Nhân dân Thuận Châu gặp rất nhiều khó khăn. Từ cuối tháng 7-1951, thực dân Pháp tập trung quân mở cuộc tấn công quy mô lớn vào các căn cứ của ta ở Mai - Thuận, càn quét đến đâu chúng dồn dân về các vùng ở sát đồn bốt đến đó để dễ bề kiểm soát. Tháng 12-1951, địch tập trung càn quét dữ dội với quy mô lớn vào các khu tranh đấu của ta ở Long Hẹ, Pú Nhung, Tỏa Tình, Phiêng Ta Ma, Tả Sìn Thàng. Trước sức càn quét quy mô của địch, nhiều căn cứ kháng chiến của ta ở Mai - Thuận, như: Mường Sại, Dong Dăm, Mường Bám, Long Hẹ, Mường Mần bị phá vỡ. Đến cuối năm 1951 đầu năm 1952, các huyện phía Bắc của Sơn La lại trở thành vùng tạm chiếm của thực dân Pháp. Đất đai bị tạm chiếm, cơ sở kháng chiến tan vỡ nên hoạt động của các Ủy ban kháng chiến hành chính huyện gặp nhiều khó khăn.

Hòa chung với khí thế đấu tranh của quân và dân Sơn La, đồng bào các dân tộc Thuận Châu đã tích cực phối hợp với quân dân cả nước giành thắng lợi trong chiến dịch Tây Bắc 1952, giải phóng Thuận Châu vào ngày 21-11-1952.

Từ năm 1953, quân dân Thuận Châu làm nhiệm vụ tiêu diệt thổ phỉ, góp phần cùng quân dân trong tỉnh Sơn La đập tan kế hoạch dùng phỉ để chống phá cách mạng của thực dân Pháp. Đồng bào các dân tộc Thuận Châu đã hăng hái đi dân công sửa đường, đóng góp và vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí, cùng quân dân cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 07-5-1954, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Miền Bắc hoàn toàn giải phóng, bước vào thời kỳ quá độ xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục đấu tranh chống quân xâm lược Mỹ, quyết tâm giành thắng lợi, thống nhất đất nước. Năm 1955, Khu Tự trị Thái - Mèo được thành lập, Thuận Châu trở thành thủ phủ của Khu Tự trị, là trung tâm hành chính của cả vùng Tây Bắc.

Trong lúc Nhân dân các dân tộc Thuận Châu tập trung sức lực tiến tới thực hiện cuộc vận động hợp tác hóa nông nghiệp, kết hợp hoàn thành cải cách dân chủ thì tin vui đến với đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Ngày 7-5-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh và đoàn công tác của Trung ương về thăm, nói chuyện với đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Nhân dân các dân tộc Thuận Châu vinh dự được thay mặt đồng bào Tây Bắc tổ chức mít tinh trọng thể đón Người tại sân vận động thị trấn huyện. Hơn một vạn đồng bào đại diện cho 30 vạn Nhân dân các dân tộc Tây Bắc từ các bản mường xa xôi, hẻo lánh đã trèo đèo, lội suối mang cờ hoa, biểu ngữ và quà nô nức đi đón Chủ tịch Hồ Chí Minh như đón người Cha kính yêu đi xa lâu ngày trở về.

Trong buổi lễ mít tinh, Người căn dặn đồng bào: “Thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, gặt cho tốt vụ chiêm, chuẩn bị tốt vụ mùa. Đồng thời phải ra sức bảo vệ rừng cho tốt. Củng cố thật tốt các tổ đổi công và hợp tác xã theo đúng nguyên tắc tự nguyện, tự giác. Ra sức cải tiến kỹ thuật, làm mương phai cho tốt, làm phân bón cho nhiều, cày bừa cho kỹ, đề phòng sâu bọ, thú rừng. Phát triển bình dân học vụ khắp nơi, làm thêm nhà trường cho con em có chỗ học. Chăm lo vệ sinh, phòng bệnh, làm cho bản mường sạch sẽ, đồng bào mạnh khỏe, sửa sang và gìn giữ đường sá để đi lại dễ dàng, củng cố các tổ chức dân quân và tự vệ, làm tốt công tác nghĩa vụ quân sự. Trong mọi công việc, phải ra sức giúp đỡ đồng bào ở rẻo cao”. Những lời huấn thị của Người là nguồn động viên mạnh mẽ Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc vượt mọi khó khăn, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ.

Tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, tháng 5-1960, Đại hội đại biểu Đảng bộ Thuận Châu lần thứ nhất được tổ chức trọng thể tại xã Chiềng Ly[8]. Đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của Nhân dân các dân tộc Thuận Châu.

Hai mươi năm (1955-1975) dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Khu ủy Khu Tự trị Thái - Mèo, rồi Khu ủy khu Tự trị Tây Bắc, của Đảng bộ tỉnh Sơn La, Đảng bộ huyện đã trải qua 9 kỳ Đại hội (từ khóa I dến khóa IX), Thực hiện Nghị quyết Đại hội các cấp Nhân dân Thuận Châu ra sức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, vận dụng phù hợp với điều kiện thực tế của một huyện miền núi cao, có nhiều dân tộc cùng sinh sống, quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, từng bước xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật, đưa nền kinh tế nghèo nàn, chậm phát triển trở thành huyện có cơ cấu kinh tế nông - lâm nghiệp phát triển ổn định. Đồng bào vùng cao từng bước định canh, định cư, bỏ dần các tập tục lạc hậu, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân từng bước được cải thiện; sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế có bước tiến rõ rệt.

Năm 1965, khi đế quốc Mỹ mở rộng cuộc chiến tranh bằng không quân đánh phá miền Bắc, dưới sự lãnh đạo của Khu ủy, Tỉnh ủy, Đảng bộ và chính quyền huyện Thuận Châu đã lãnh đạo Nhân dân vừa sản xuất vừa chiến đấu, góp phần đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ xâm lược, bảo vệ vững chắc quê hương, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đồng thời cùng quân dân trong tỉnh hết lòng chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến miền Nam và cách mạng Lào, góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

 Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã đưa cách mạng Việt Nam chuyển sang một giai đoạn mới, cả nước thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

III- QUÁ TRÌNH ĐẢNG BỘ HUYỆN LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN TỪ SAU ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975 ĐẾN NAY

Trải qua 12 kỳ Đại hội (từ Đại hội khóa X đến khóa XXI), Đảng bộ huyện Thuận Châu đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đặc biệt là sự đoàn kết thống nhất cao về tư tưởng, chính trị, tổ chức; khơi dậy tinh thần phấn khởi, tin tưởng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc trong huyện đối với sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện. Đó là nhưng tiền đề quan trọng để Đảng bộ tiến hành Đại hội thành công trong thời điểm bước vào một thời kỳ mới: Đổi mới toàn diện đất nước.

1. Giai đoạn 1976 - 1986

Nhân dân các dân tộc Thuận Châu đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách về thiên tai, địch họa, từng bước khôi phục và xây dựng kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh vững mạnh, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thuận Châu vẫn gặp nhiều khó khăn: Sản xuất nông nghiệp còn lạc hậu, mang tính tự cấp tự túc, công nghiệp nhỏ bé, nhiều nhu cầu thiết yếu về đời sống vật chất và văn hóa của Nhân dân chưa được đảm bảo.

Những thành tựu đạt được về kinh tế - xã hội trong 10 năm qua (1976 - 1986) có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp cho Thuận Châu có nhiều khởi sắc. Vượt qua mọi khó khăn trong điều kiện đất nước vừa có hòa bình, vừa có chiến tranh, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Thuận Châu đã giành được những thành tựu quan trọng trong thực hiện kế hoạch nhà nước 5 năm lần thứ hai và lần thứ ba, đoàn kết, nhất trí, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, nỗ lực phấn đấu trong sản xuất cũng như sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, sản xuất nông - lâm nghiệp của huyện luôn dẫn đầu về thâm canh lúa ruộng, đạt năng suất cao nhất tỉnh (8,2 tấn/ha/2 vụ), góp phần ổn định và bảo đảm đời sống nhân dân, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Trong cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, với thế trận quốc phòng toàn dân vững mạnh, tăng cường chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến, góp phần cùng đồng bào trong tỉnh và cả nước bảo vệ vững chắc lãnh thổ quốc gia. Hệ thống chính trị của huyện ngày càng được củng cố, kiện toàn, phát huy vai trò, hiệu quả, hiệu lực trong đời sống. Những thành tựu và hạn chế trong 10 năm (1976-1986) đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, giúp cho Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc Thuận Châu vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, cùng cả nước bước vào thời kì mới đầy thử thách: Thời kì đổi mới đất nước.

2. Giai đoạn 1986 - 2024

Sau 38 năm đổi mới (1986-2024), dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Sơn La, trực tiếp là Đảng bộ huyện và sự điều hành của các cấp chính quyền, Nhân dân các dân tộc Thuận Châu đã phát huy tinh thần đoàn kết, phát huy nội lực, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu đạt được những thành tựu rất quan trọng.

- Trong 5 năm đầu đổi mới (1986-1990)[9] thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, tình hình kinh tế - xã hội của Thuận Châu có những chuyển biến tích cực. Cơ cấu kinh tế mới hình thành, trong hoàn cảnh khó khăn giữ được sự cân đối của các ngành quan trọng. Trên nhiều lĩnh vực, những nhân tố điển hình mới từng bước được nhân rộng, hoạt động có hiệu quả. Việc vận dụng cơ chế quản lý mới bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế, các thành phần kinh tế sản xuất và kinh doanh thuận lợi, các vấn đề xã hội và an ninh quốc phòng được giải quyết tốt hơn, đời sống Nhân dân từng bước được nâng lên. Công tác xây dựng Đảng tiếp tục được củng cố và phát triển. Hệ thống chính trị được vận hành tương đối đồng bộ và hiệu quả. Có được những biến đổi to lớn đó là do Đảng bộ đã củng cố khối đoàn kết nhất trí trong nội bộ Đảng, giữa Đảng và Nhân dân, trước hết là đội ngũ cán bộ chủ chốt của các cấp ủy và chính quyền, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy vai trò, trí tuệ của tập thể, đồng thời đề cao trách nhiệm cá nhân, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Vận dụng sáng tạo các chỉ thị, nghị quyết vào hoàn cảnh cụ thể của địa phương bằng những kế hoạch hoạt động thiết thực, cụ thể và những bước đi thích hợp. Đề cao ý chí tự lực tự cường, chống tư tưởng bảo thủ, cục bộ địa phương hoặc trông chờ ỷ lại; phát huy thế mạnh của địa phương, vùng, tạo sự chuyển biến về kinh tế - xã hội, làm tiền đề để tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới huyện Thuận Châu.

- Trong 10 năm tiếp theo, (1991-2000)[10] với nỗ lực vượt bậc, phấn đấu thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội theo đường lối đổi mới của Đảng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Thuận Châu đã phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, vượt khó khăn, thử thách, phấn đấu hoàn thành cơ bản các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế của huyện từng bước phát triển ổn định, chuyển sang sản xuất hàng hóa. Nền kinh tế tăng trưởng khá, GDP tăng bình quân 8%/năm. GDP bình quân đầu người từ 65 USD năm 1991 lên 100 USD năm 2000, tăng 1,55 lần; khu vực thị trấn, thị tứ đạt 220 USD/người/năm. Đặc biệt là trong nông nghiệp đã chuyển mạnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ, mô hình kinh tế trang trại xuất hiện và dần khẳng định vị trí trong phát triển kinh tế của huyện. Trên địa bàn huyện hình thành các vùng cây công nghiệp, cây ăn quả tập trung, có giá trị kinh tế cao, cung cấp hàng hóa cho thị trường. Cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng được đầu tư mới và nâng cấp. Tiềm lực kinh tế của huyện được nâng lên; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc ngày càng khởi sắc; diện đói nghèo từ 40% năm 1991 giảm xuống còn 13,9% năm 2000; xã hội có nhiều tiến bộ. Kết cấu hạ tầng như giao thông, thủy lợi, trường học, điện, nước sinh hoạt, truyền thanh, truyền hình… được đầu tư xây dựng. Các vấn đề xã hội tiếp tục được quan tâm giải quyết có hiệu quả. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân được củng cố vững chắc.

Đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở được đào tạo và trưởng thành, trình độ dân trí được nâng cao,…là cơ sở để thực hiện tốt hơn quy chế dân chủ ở cơ sở; khơi dậy tính cần cù, năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất của nhân dân các dân tộc. Với sự tiến bộ nhiều mặt đó, lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền ngày càng vững chắc. Đảng bộ đã phát huy tốt truyền thống đoàn kết, bình đẳng, tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc. Hệ thống chính trị được kiện toàn, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ. Thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân được củng cố vững chắc. Đó chính là nền tảng giữ vững sự ổn định và là động lực quan trọng để Đảng bộ, Nhân dân trong huyện thúc đẩy sự nghiệp đổi mới toàn diện quê hương Thuận Châu trong giai đoạn tiếp theo.

- Năm năm tích cực phấn đấu (2000-2005)[11], vượt qua nhiều khó khăn, Đảng bộ Thuận Châu đã lãnh đạo nhân dân thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội Đảng bộ huyện đề ra. Thành tích có quan trọng nhất là hiệu quả của việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa; sự phát triển nhanh các thành phần kinh tế; các chương trình đầu tư nhằm thúc đẩy các vùng trong huyện phát triển, xóa đói giảm nghèo[12]

Ngày 23/5/2005, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam ra Quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ, cứu nước cho quân và dân huyện Thuận Châu[13]. Huyện Thuận Châu và các xã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân là: Long Hẹ, Bản Lầm[14], ban Công an xã Chiềng La… đã tô thắm thêm truyền thống yêu nước, đoàn kết, cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong huyện đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Truyền thống đó là niềm tự hào, động viên cổ vũ Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc Thuận Châu phát huy trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

- Hai mươi năm đẩy mạnh công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo đường lối, chủ trương của Đảng (2001-2019), Đảng bộ và nhân dân Thuận Châu gặt hái được những thành tựu quan trọng, trong bức tranh tổng thể về kinh tế xã hội của huyện màu sắc tươi mới đã mang tính chủ đạo.

Trong 05 năm tích cực phấn đấu (2000-2005), vượt qua nhiều khó khăn, Đảng bộ Thuận Châu đã lãnh đạo nhân dân thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế- xã hội. Thành tích có quan trọng nhất thời gian này là hiệu quả của việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa; sự phát triển nhanh các thành phần kinh tế; các chương trình đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nhằm thúc đẩy các vùng trong huyện phát triển, xóa đói giảm nghèo…[15]

Trên đà phát triển đó, trong 5 năm (2005-2010)[16], kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị ở Thuận Châu tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng. Kinh tế phát triển với tốc độ tăng trưởng khá; quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi diễn ra nhanh theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, ngày càng phát huy hiệu quả lợi thế của địa phương. Văn hóa - xã hội phát triển, giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội và đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân có nhiều cải thiện. Quốc phòng, an ninh, hệ thống chính trị không ngừng được củng cố vững mạnh. Những thành tựu toàn diện đó là kết quả của quá trình vận dụng sáng tạo chủ trương của Đảng vào thực tiễn địa phương, đặc biệt là sự đổi mới trong công tác lãnh đạo, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ trong lãnh đạo, quản lý, đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ, trong Nhân dân các dân tộc ở Thuận Châu.

Từ năm 2011 đến năm 2024[17], dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng bộ và sự nỗ lực phấn đấu của Nhân dân các dân tộc trong huyện, đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị ở Thuận Châu giành được nhiều thành tích to lớn và toàn diện. Đây là thời điểm Đảng bộ đề cao quyết tâm chính trị và nỗ lực thực hiện đưa huyện Thuận Châu sớm ra khỏi tình trạng chậm phát triển, phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc, thực hiện xóa đói giảm nghèo, tập trung xây dựng nông thôn mới. Đây cũng là thời gian xuất hiện nhiều mô hình tiêu biểu về cách làm hay, hiệu quả của tập thể, cá nhân trong phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa - xã hội, thể hiện sức sáng tạo, tự vươn lên của cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc huyện nhà. Việc Thuận Châu hoàn thành nhiệm vụ di dân tái định cư thủy điện Sơn La đã thể hiện rõ tinh thần đoàn kết, thống nhất của toàn Đảng bộ, quân và dân hướng tới mục tiêu xây dựng cuộc sống âm no, hạnh phúc, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Trên các lĩnh vực cụ thể, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với thị trường, phát huy lợi thế của địa phương. Các ngành, các vùng, các thành phần kinh tế đều có bước phát triển khá làm cho nền kinh tế tăng trưởng liên tục, thu ngân sách năm sau cao hơn năm trước. Kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng đã phát huy hiệu quả; cùng với việc hoàn thành công tác di dân vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, góp phần vào xây dựng Nhà máy thủy điện sớm thành công, đem ánh sáng đến khắp các bản làng, làm cho bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới. Hệ thống chính trị được củng cố kiện toàn theo hướng tinh giản bộ máy, từng bước cải cách hành chính nhằm nâng cao năng lực điều hành của chính quyền các cấp. Công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng thường xuyên được thực hiện, lãnh đạo nhân dân phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, góp phần tích cực vào nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, hội nhập và phát triển.

Từ một huyện miền núi cao, địa bàn rộng, kinh tế kém phát triển, đời sống Nhân dân nghèo nàn, lạc hậu, sau thời gian dài dưới ách đô hộ của thực dân, phong kiến, nhân dân các dân tộc huyện Thuận Châu đã vùng lên mạnh mẽ, đi theo tiếng gọi của Đảng làm cách mạng giải phóng, thay đổi cuộc đời, trở thành người chủ bản mường, quê hương đất nước. Bằng sức mạnh đại đoàn kết, tinh thần giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc, kinh tế - xã hội Thuận Châu ngày càng phát triển, hòa nhịp với tỉnh Sơn La và khu vực Tây Bắc. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào ngày càng được nâng lên; đồng thời bản sắc văn hóa của các dân tộc, truyền thống tốt đẹp được bảo tồn, giữ vững và phát huy. Giáo dục, y tế ngày càng được chú trọng phát triển. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Thuận Châu trở thành hình ảnh đẹp về nông thôn mới của miền núi Tây Bắc đang trên đường đổi mới, vươn lên mạnh mẽ[18]; được tô đậm bởi truyền thống cần cù lao động, sáng tạo xây dựng quê hương giàu mạnh của Nhân dân các dân tộc Thuận Châu.

Thực tiễn cuộc sống sinh động đã chứng minh rằng Đảng bộ Thuận Châu luôn trung thành với lý tưởng cách mạng cao đẹp, chủ động, sáng tạo, xứng đáng là bộ tham mưu sáng suốt, tiêu biểu cho truyền thống, ý chí và sức mạnh của Nhân dân các dân tộc Thuận Châu. Trên những chặng đường đấu tranh cách mạng đầy hy sinh gian khổ, phong trào cách mạng có những bước thăng trầm, việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bên cạnh những thành công cơ bản cũng còn những hạn chế. Song, Đảng bộ và Nhân dân Thuận Châu luôn giữ vững và giương cao ngọn cờ cách mạng của Đảng, giành được những thành tựu vĩ đại, làm rạng rỡ quê hương, đất nước.  

Những đóng góp của Đảng bộ, chính quyền, chiến sĩ các lực lượng vũ trang và Nhân dân các dân tộc huyện Thuận Châu đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận, trao tặng những phần thưởng cao quý: 04 đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân[19]; 01 Huân chương Chiến công; 05 Huân chương khác[20] 1.524 Tập thể, cá nhân được phong tặng, truy tặng Huân chương kháng chiến chống Pháp, Mỹ; 1.318 tập thể, cá nhân được phong tặng, truy tặng Huy chương kháng chiến chống Pháp, Mỹ; hơn 1.962 bằng khen các loại do Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ban ngành Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh tặng tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (trong đó có 35 tập thể, cá nhân được tặng: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ); 08 mẹ Việt Nam anh hùng; 12 cán bộ lão thành cách mạng.

Những thắng lợi vẻ vang qua từng giai đoạn cách mạng và những bài học thực tiễn từ trong chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc cũng như trong xây dựng quê hương đất nước sẽ mãi là niềm tự hào to lớn của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Thuận Châu.

Bảy mươi lăm năm xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc Thuận Châu luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trung thành với sự nghiệp mà Đảng, Chủ tịch Hồ chí Minh đã lựa chọn, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức đối với một huyện miền núi, song phát huy truyền thống, tự hào với những thành tựu đã đạt được trong 75 năm qua, Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc trong huyện tiếp tục vững bước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng quê hương Thuận Châu giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Đảng bộ huyện Thuận Châu, 72 năm Ngày giải phóng huyện Thuận Châu là sự kiện chính trị trọng đại của Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc trong huyện. Đây là dịp để cán bộ, đảng viên, Nhân dân các dân tộc trong huyện cùng nhau ôn lại truyền thống cách mạng hào hùng, vẻ vang của Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đến nay; khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tinh thần tự lực, tự cường, phát huy truyền thống, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025, đồng thời tiếp tục khẳng định niềm tin của Đảng bộ, chính quyền, cán bộ, đảng viên, Nhân dân các dân tộc trong huyện vào sự lãnh đạo của Đảng.

                                          

                                       



[1]. Ngày 20 tháng 8 năm 1891, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập ở Bắc Kỳ 4 đạo quan binh, trong đó, Đạo quan binh IV, đạo lỵ đặt ở Sơn La (do đó được gọi là đạo quan binh Sơn La), địa bàn gồm địa hạt Sơn La và một số tổng tách từ tỉnh Hưng Hóa sang

[2].Tiểu quân khu Vạn Bú khi thành lập có hai phủ là phủ Vạn Yên và phủ Sơn La.

[3]. Phái bộ chính phủ ở Sơn La tên trong văn bản tiếng Pháp là: Commissariat de Gouvernement de Sonla

[4]. Đến ngày 28-6-1909, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định tách các châu: Quỳnh Nhai, Điện Biên, Tuần Giáo, châu Lai và phủ Châu Luân thành lập một tỉnh mới lấy tên là tỉnh Lai Châu. Lúc này tỉnh Sơn La còn 6 châu: Sơn La (hay Mường La), châu Thuận, Mai Sơn, châu Yên, châu Mộc, Phù Yên (cả Bắc Yên ngày nay); diện tích trên 1,1 vạn km2, dân số trên 5 vạn người.

[5] “Báo cáo của Ban Kiểm tra Tỉnh ủy Sơn La về tình hình Đảng bộ Sơn La năm 1949”, tài liệu bản gốc đánh máy, lưu trữ tại Cục lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, Phông Liên Khu ủy Việt Bắc 1946-1956; P43, ML: 01, ĐVBQ: 452.

[6] Ngày 30-1-2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La ban hành Công văn số 3967-CV/TU,về việc ngày thành lập Đảng bộ huyện Thuận Châu, nhất trí lấy ngày 1-12-1949 là Ngày thành lập Đảng bộ.

[7] Biên bản Hội nghị tỉnh ủy ngày 01-01-1950. Tư liệu Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sơn La.

[8] Đại hội bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ khóa I, đồng chí Lê Ninh được bầu làm Bí thư Châu ủy.

[9] Giai đoạn 1986 - 1990 Đảng bộ huyện Thuận Châu đã trải qua 02 kỳ Đại hội: Từ ngày 29-9 đến ngày 3-10-1986, Đại hội lần thứ XIII Đảng bộ huyện Thuận Châu được tiến hành. Đại hội đại biểu lần thứ XIV Đảng bộ huyện Thuận Châu được tổ chức trọng thể từ ngày 6 đến ngày 8-4-1989.

[10] Giai đoạn 1991 - 2000 Đảng bộ huyện Thuận Châu đã trải qua 02 kỳ Đại hội: Từ ngày 28 đến 30-3-1991, Đại hội Đảng bộ huyện Thuận Châu lần thứ XV (vòng 1); từ ngày 23-10 đến ngày 26-10-1991, Đại hội Đảng bộ huyện Thuận Châu lần thứ XV (vòng 2). Đại hội đại biểu Đảng bộ Thuận Châu lần thứ XVI (nhiệm kỳ 1996 - 2000) được tiến hành từ ngày 1 đến ngày 3-4-1996.

[11] Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Thuận Châu lần thứ XVII diễn ra từ ngày 27 đến ngày 29-11-2000, có 172/177 đại biểu dự.

[12] Để chuẩn bị di dân tái định cư thủy điện Sơn La, đặc biệt sau khi phần lớn huyện Quỳnh Nhai bị ngập, di chuyển, tỉnh Sơn La đã chủ trương và đề xuất với Chỉnh phủ sắp xếp lại dân cư cho phù hợp. Ngày 2-12-2003, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 148/2003/NĐ-CP về điều chỉnh địa giới hành chính giữa huyện Thuận Châu và huyện Quỳnh Nhai, trong đó huyện Thuận Châu bàn giao 6 xã: Chiềng Khoang, Liệp Muội, Chiềng Bằng, Mường Sại, Mường Giàng và Nậm Ét về huyện Quỳnh Nhai. Như vậy, huyện Thuận Châu chỉ còn 28 xã và 1 thị trấn, 552 bản, tiểu khu. Sau khi thực hiện Nghị định 148 của Chính phủ, diện tích tự nhiên huyện Thuận Châu còn 153.507,4ha.

[13] Ngày 24-8-2005, Đảng bộ huyện Thuận Châu long trọng tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy Hoàng Văn Chất đã gắn Huân chương Độc lập hạng Ba lên quân kỳ, trao cờ và Bằng công nhận Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Đảng bộ, quân và dân các dân tộc huyện Thuận Châu.

[14] Ghi nhận những cống hiến của nhân dân các dân tộc Thuận Châu trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ xâm lược, ngày 15-8-2003, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho xã Bản Lầm. Ngày 20-12-2003, Bản Lầm tổ chức lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

[15] Ngày 25-4-2004, huyện Thuận Châu cùng với cử tri cả nước nô nức đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa IX, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2004-2009. Kết quả: 99,62% cử tri đã tham gia bỏ phiếu, bầu được 8 đại biểu HĐND tỉnh, 40 đại biểu HĐND huyện, 771 đại biểu HĐND các xã, thị trấn. Đại biểu HĐND các cấp được bầu đảm bảo đủ số lượng, cơ cấu về độ tuổi, thành phần dân tộc, trình độ đào tạo chuyên môn, lý luận chính trị.

Ngày 22-5-2004, Kỳ họp thứ nhất HĐND huyện nhiệm kỳ 2004-2009 đã bầu các chức danh HĐND, Ủy ban nhân dân; đồng chí Lò Mai Kiên làm Chủ tịch HĐND huyện khóa XVIII; đồng chí Nguyễn Duy Ruyên - Phó Chủ tịch HĐND, đồng chí Thào A Súa - Ủy viên Thường trực HĐND; đồng chí Vũ Quốc Cường - Chủ tịch UBND huyện, đồng chí Lường Thị Chum, đồng chí Vì Xứng Nhìa - Phó Chủ tịch UBND huyện. Tháng 12 năm 2004 đồng chí Lò Mai Kiên chuyển công tác, đồng chí Lường Thị Chum được bầu làm Bí Thư Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện. Tháng 10 năm 2014, đồng chí Vì Xứng Nhìa nghỉ hưu, đồng chí Lò Minh Hùng được phân công làm Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân huyện. Tháng 2 năm 2016 đồng chí Lò Minh Hùng chuyển công tác đồng chí Thào A Súa được phân công làm Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân huyện.

[16] Từ ngày 20 đến 22-9-2005, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Thuận Châu lần thứ XVIII được tổ chức tại Hội trường UBND huyện. Từ ngày 10-8 đến ngày 12-8-2010, Đại hội đại biểu lần thứ XIX Đảng bộ huyện Thuận Châu, nhiệm kỳ 2010-2015 được tổ chức.

[17] Từ ngày 11-6 đến ngày 12-6-2015, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Thuận Châu lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015-2020, tổ chức tại Hội trường Huyện ủy. Từ ngày 28 đến 30 tháng 7 năm 2020 Đại hội Đảng bộ huyện Thuận Châu lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 được tổ chức tại Trung tâm hội nghị huyện.

[18] Năm 2024, Tiếp tục đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư vào địa bàn, quy hoạch và phát triển Khu lịch sử văn hóa Đèo Pha Đin. Đến nay, đã khánh thành Đền thờ liệt sĩ tại Khu lịch sử - văn hóa Đèo Pha Đin giai đoạn 1 và tiếp tục huy động các nguồn lực triển khai thực hiện các hạng mục công trình còn lại đảm bảo đúng quy trình, quy định, sớm hoàn thành xây dựng giai đoạn II. Tổ chức triển khai xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện giai đoạn 2023-2025iều chỉnh địa giới hành chính xã Chiềng Ly, xã Phổng Lăng để mở rộng thị trấn Thuận Châu; thành lập xã mới trên cơ sở sáp nhập phần còn lại của xã Phổng Lăng, Chiềng Ly và điều chỉnh một phần diện tích xã Chiềng Bôm huyện Thuận Châu).

 

[19] Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân huyện Thuận Châu; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ban công an xã Chiềng La; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân xã Long Hẹ; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân xã Bản Lầm.

[20] Huân chương Lao động hạng Ba năm 1980; Huân chương Lao động hạng Nhì năm 1985; Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2002; Huân chương Độc lập hạng Ba năm 2009; Huân chương Độc lập hạng Nhì năm 2012.

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Trong tháng: 1
  • Trong năm: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập