Tiếp nối dòng chảy của lịch sử, phát huy hào khí của huyện anh hùng, kể từ khi thành lập Đảng bộ huyện ngày 01tháng 12 năm 1949 đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc huyện Thuận Châu đã nêu cao ý chí kiên cường và khát vọng vươn lên, nỗ lực vượt khó để đưa huyện nghèo bứt phá, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tạo dấu ấn, thành tựu trong xây dựng phát triển, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát chung của tỉnh Sơn La.
Thuận Châu nằm phía Tây Bắc của tỉnh Sơn La, có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng - an ninh của tỉnh. Huyện Thuận hội tụ các dân tộc gồm dân tộc Thái, Mông, Kinh, Khơ Mú, La Ha,…
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 3/2/1930 đã mở ra bước ngoặt lịch sử cho cách mạng Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Nhân dân các dân tộc Thuận Châu đã góp sức cùng cả nước làm nên thành công cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Đẩy mạnh nhiệm vụ xây dựng Đảng, sau khi xem xét tình hình cụ thể ở Thuận Châu. Tỉnh ủy Sơn La đã cử một đồng chí làm trực tiếp làm công tác đảng vụ, hình thành Đảng bộ Thuận Châu vào tháng 12-1949. Cùng thời gian này, tháng 12-1949, Ủy ban kháng chiến hành chính Thuận Châu được thành lập do đồng chí Lương Sơn (tức đồng chí Lường Xuân Yến) làm Chủ tịch. Ngày 01/01/1950, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã phân công đồng chí Đỗ Anh Châu - Tỉnh ủy viên làm Trưởng Ban cán sự trực tiếp chỉ đạo phong trào kháng chiến ở Thuận Châu.
Hòa chung với khí thế đấu tranh của quân và dân Sơn La, Châu ủy Thuận Châu đã chỉ đạo tích cực phối hợp với quân dân cả nước giành thắng lợi trong chiến dịch Tây Bắc 1952, đi đến giải phóng Thuận Châu vào ngày 21-11-1952.
Sau khi được giải phóng, Đồng bào các dân tộc Thuận Châu tiếp tục hăng hái đi dân công sửa đường, đóng góp và vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí, cùng quân dân cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 07/5/1954, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Nhân dân các dân tộc trong huyện từ thân phận nô lệ lên làm chủ cuộc sống, làm chủ bản mường.
Năm 1955, Khu Tự trị Thái - Mèo được thành lập, Thuận Châu trở thành thủ phủ của Khu Tự trị, là trung tâm hành chính của cả vùng Tây Bắc. Ngày 7-5-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh và đoàn công tác của Trung ương đã về thăm, nói chuyện với đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Nhân dân các dân tộc Thuận Châu vinh dự được thay mặt đồng bào Tây Bắc tổ chức mít tinh trọng thể đón Người tại sân vận động huyện. Những lời huấn thị của Người là nguồn động viên mạnh mẽ Đảng bộ và nhân dân các dân tộc vượt mọi khó khăn, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.
Tháng 5/1960, Đại hội đại biểu Đảng bộ Thuận Châu lần thứ nhất được tổ chức trọng thể tại xã Chiềng Ly. Đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân các dân tộc Thuận Châu.
Châu ủy đã lãnh đạo nhân dân vừa sản xuất vừa chiến đấu, góp phần đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến, góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, Đảng bộ huyện đã tập trung lãnh đạo đẩy mạnh sản xuất, sản xuất nông - lâm nghiệp, thâm canh lúa ruộng, tăng gia sản xuất, từng bước ổn định và bảo đảm đời sống Nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Hệ thống chính trị của huyện ngày càng được củng cố, kiện toàn, phát huy vai trò, hiệu quả các tổ chức chính trị xã hội. Nhiều phong trào thi đua yêu nước đã được phát động được các tầng lớp Nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Chính vì vậy, cơ sở vật chất, kỹ thuật từng bước được xây dựng, đưa nền kinh tế nghèo nàn dần phát triển, đồng bào các dân tộc định canh định cư, bỏ dần các tập tục lạc hậu, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân dần từng bước được cải thiện.

Qua bao thử thách của lịch sử, Đảng bộ chính quyền huyện Thuận Châu ngày càng vững mạnh, chứng minh năng lực lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao. Trong suốt thời kỳ bao cấp đến những năm đầu thời kỳ đổi mới đã có biết bao tác động từ tình hình trong nước và thế giới; những thay đổi từ cơ chế quản lý kinh tế tập trung, quan liêu bao cấp sang cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm chỉ đạo sát sao của tỉnh, Đảng bộ và Nhân dân hyện Thuận Châu tiếp tục giành được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển KT-XH.
Đáng chú ý là thực hiện cuộc di dân tái định cư phục vụ cho xây dựng công trình trọng điểm quốc gia nhà máy Thủy điện Sơn La giai đoạn 2005 - 2010. Với tinh thần tất cả vì dòng điện ngày mai của tổ quốc, Nhân dân các dân tộc huyện Thuận Châu đã rời quê hương, bản quán để đến nơi ở mới và chia sẻ đất đai, ruộng vườn để nhường chỗ cho các hộ tái định cư. Trong cuộc di dân này Thuận Châu đã di chuyển và đón được 1.572 hộ dân với 7.897 nhân khẩu đến TĐC tại 11 khu, 37 điểm TĐC ổn định và phát triển.
Nghị quyết đi liền với thực tế của địa phương. Huyện thuận Châu đã phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa bàn, đầu tư hỗ trợ sản xuất, tạo điều kiện cho nhân dân tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất gắn với mở rộng và phát triển bền vững chuỗi giá trị nông sản, xây dựng thương hiệu sản phẩm, truy xuất nguồn gốc xuất xứ; phát triển các chuỗi cung ứng sản phẩm nông, thủy sản an toàn.
Có hơn 400 ha cây trồng sản xuất theo hướng hữu cơ; 72 ha cây trồng ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm, tưới ẩm; trên 3.500/4.302 ha cây ăn quả được trồng bằng các giống chất lượng cao; hình thành 11 chuỗi giá trị gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; có 31 cơ sở trồng trọt được cấp giấy chứng nhận sản xuất VietGap với diện tích trên 600 ha; có 10 mã số vùng trồng các loại cây ăn quả...Thuận Châu hiện có 05 sản phẩm được cấp văn bằng chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu như: Chè Phổng Lái Thuận Châu, Khoai sọ Thuận Châu, Cà phê Sơn La, Táo sơn tra Sơn La và Cá sông Đà.
Thực hiện chủ trương phát triên cây cao su, huyện đã vận động nhân dân chuyển đổi những diện tích đất sản xuất kém hiệu quả, đất trống, đồi trọc sang trồng cây cao su với trên 1.600 ha cao su đã cho khai thác mủ. Nhà máy chế biến mủ Cao su được xây dựng tại xã Tông Lạnh, đi vào hoạt động đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động là người dân địa phương.
Ngoài việc chăm lo chỉ đạo phát triển kinh tế, Đảng bộ huyện đặc biệt quan tâm đến các lĩnh vực Văn hóa - xã hội. Những năm đầu thống nhất đất nước 1976 toàn huyện chỉ có một trường cấp III, 7 trường cấp II và trường cấp I ở các xã, thì nay huyện Thuận Châu có 84 đơn vị trong đó: Có 29 trường Mầm non, 18 trường Tiểu học, 15 trường Trung học cơ sở, 16 trường TH-THCS, 04 trường Trung học phổ thông, 01 trường PTDT nội trú THCS - THPT huyện, 01 Trung tâm GDTX huyện). Trong đó phòng Kiên cố và Bán kiên cố đạt 98,4%. Có 51,8% trường đạt chuẩn Quốc gia. Đội ngũ giáo viên không ngừng được bổ sung cả về chất lượng và số lượng. hiện nay toàn ngành có trên 2.647 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.
Hạ tầng giáo dục đào tạo, quy mô, mạng lưới trường lớp được sắp xếp, củng cố và phát triển; cơ sở vật chất trường học được đầu tư bổ sung đồng bộ, cơ bản đáp ứng đủ 01 phòng/lớp học, đảm bảo dạy học 02 buổi/ngày, không có phòng học tạm.
Công tác nấu ăn tập trung cho học sinh bán trú được duy trì tại 24 trường học với 6.299 học sinh, 30 bếp ăn, 17 nhà ăn đảm bảo theo quy định.
Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng được quan tâm, chăm lo; chất lượng khám chữa bệnh được nâng cao ở cả 2 tuyến xã, huyện. Từ một huyện thiếu về y bác sỹ, cán bộ tay nghề cao, đến nay có trên xã có 21/29 trạm y tế có Bác sỹ 10 xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế. Các chương trình y tế quốc
gia, chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình được chỉ đạo, triển khai hiệu quả. Trang thiết bị từng bước đáp ứng yêu cầu, khám chữa bệnh của nhân dân.
Thực hiện Đề án 06 Chuyển đổi số xây dựng chính quyền điện tử công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Để án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bức tranh nông thôn ngày càng khởi sắc, diện mạo nông thôn từ vùng sâu đến vùng xa đều có những chuyển biến tích cực. Các tiêu chí về chuẩn nông thôn mới được tăng dần hàng năm. Tính đến hết tháng 9/2024, toàn huyện đạt bình quân 9,03 tiêu chí/xã. Có 5 xã Phổng Lái, Tông Cọ, Tông Lạnh, Chiềng Pha, Chiềng La đạt chuẩn Nông thôm mới.
Với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, đến nay trên 90% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh, tỷ lệ hộ được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 98%; hệ thống kênh mương và công trình thủy lợi được đầu tư đảm bảo nước tưới ổn định cho sản xuất lúa và hoa màu.
Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên. Phong trào thể dục thể thao có nhiều hình thức rèn luyện phong phú, phong trào rèn luyện thân thể ngày càng phát triển rộng rãi. Phong trào xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa gắn với thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" được nhân dân hưởng ứng, thực hiện hiệu quả, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được mở rộng. Các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc trong huyện được bảo tồn và phát huy.
An sinh xã hội được đảm bảo, số hộ nghèo giảm dần từng năm, đến năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo chiếm 23,77%, tỷ lệ hộ cận nghèo chiếm 12,94%. Các chính sách xã hội được quan tâm chăm lo, đặc biệt là thực hiện chính sách hỗ trợ người có công khó khăn về nhà ở, trợ cấp một lần đối với người có công, dân quân hỏa tuyến…
Bên cạnh chú trọng phát triển kinh tế - xã hội, công tác quân sự địa phương được Đảng bộ huyện luôn quan tâm lãnh đạo, xây dựng phù hợp với yêu cầu của tình hình nhiệm vụ mới. Khu vực phòng thủ của huyện được củng cố vững chắc, tinh thần cảnh giác cách mạng, ý thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới được nâng lên, việc động viên con em các dân tộc hăng hái lên đường làm nghĩa vụ.
Phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc được đẩy mạnh sâu rộng, đã phát hiện và kịp thời ngăn chặn đấu tránh với các loại tội phạm. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện luôn được giữ vững.
Thuận Châu là vùng đất có truyền thống lịch sử, văn hóa mang đậm đà bản sắc các dân tộc vùng núi Tây Bắc; hệ sinh vật phong phú, đa dạng. Huyện đã khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch trên địa bàn huyện như: Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia kỳ đài Thuận Châu, nơi Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ và đồng bào các dân tộc Tây Bắc năm 1959 tại Thuận Châu và công trình Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã và đang phát huy có hiệu quả, trở thành nơi sinh hoạt có ý nghĩa thiết thực như: tổ chức lễ kết nạp đoàn, đội, báo công với Bác, tuyên thệ của tân binh trước khi lên đường nhập ngũ…những hoạt động mang ý nghĩa giáo dục truyền thống cách mạng sâu sắc đối với thế hệ trẻ.
Hang mái đá bản Mòn Di tích Quốc gia di tích khảo cổ, chứa đựng nhiều giá trị mang tính quốc gia về lịch sử, văn hóa và khoa học, liên quan đến cộng đồng người thời tiền sử đã từng sinh sống trên mảnh đất này. Đây là nguồn tư liệu quý cho các nhà khoa học, nghiên cứu giải mã những giá trị của di tích, góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc. Mái đá bản Mòn còn là di sản địa chất và khảo cổ học có giá trị lịch sử, văn hóa hấp dẫn, độc đáo, đặc biệt đó là nguồn tài nguyên du lịch quý giá của Sơn La.
Từ Thị trấn Thuận Châu, vượt cung đường dài khoảng 30 km theo quốc lộ 6, tới đèo Pha Đin huyền thoại. Tọa lạc tại địa phận bản Huổi Ái xã Mường É là Đền thờ Liệt sĩ tại Khu lịch sử - văn hóa Đèo Pha Đin, là không gian tưởng niệm, tôn vinh, tri ân công lao to lớn, sự hy sinh anh dũng của các thế hệ cha anh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, bảo vệ tuyến đường huyết mạch qua đèo Pha Đin lên Tuần Giáo, Điện Biên trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.
Kế bên thuộc địa phận bản Nà Ngụa xã Phổng Lái, khu du lịch “Pha Đin top” có độ cao trung bình hơn 1.500 mét so với mực nước biển, không khí rất trong lành, thoáng đãng, dễ chịu.
Pha đin hôm nay người ta không chỉ biết đến là một địa danh lịch sử thuần túy, mà là điểm du lịch sinh thái thu hút khách thập phương đến tham quan, nghỉ dưỡng hấp dẫn trong những dịp cuối tuần.
Cùng với lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng đảng được quan tâm trên cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Công tác phát triển Đảng viên được tăng cường, nếu như năm 1975 Đảng bộ huyện Thuận Châu mới chỉ có 1.449 đảng viên, thì nay đã phát triển lên đến 9.925 đảng viên. Hiện nay Đảng bộ huyện Thuận Châu có 72 tổ chức cơ sở đảng, với 517 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở với 9.925 đảng viên. Đảng bộ luôn đổi mới phương thức lãnh đạo, phát huy đoàn kết thống nhất, thực hiện nghiêm nguyên tắc tự phê bình và phê bình, nguyên tắc tập trung dân chủ. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và thực chất trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Song song với công tác phát triển đảng, củng cố hệ thống chính trị công tác kiểm tra, giám sát của Đảng được tăng cường. Đã kịp thời xem xét giải quyết đơn thư tố cáo, khiếu nại, ngăn chặn những sai phạm. Tập trung giải quyết những vấn đề phức tạp, “nổi cộm”, những vấn đề dư luận xã hội quan tâm, gắn với thực hiện đẩy mạnh “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Công tác dân vận của Đảng, công tác dân vận của chính quyền, việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, mối quan hệ “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đã củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền.
Tự hào 75 năm đảng bộ xây dựng và phát triển, lớp lớp thế hệ đã và đang cống hiến hết mình để tiếp tục sự nghiệp đảng bộ, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. Thuận Châu hôm nay đang viết tiếp trang sử hào hùng của dân tộc, vững bước đi lên trên con đường xã hội chủ nghĩa. Trải qua 21 nhiệm kỳ Đại hội, Đảng bộ huyện Thuận Châu luôn khát vọng vươn lên phát triển về mọi mặt và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Đặc biệt là sự đoàn kết thống nhất cao về tư tưởng, chính trị, tổ chức; khơi dậy tinh thần phấn khởi, tin tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc đối với sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện.

Ôn lại chặng đường 75 năm gian khổ nhưng vẻ vang, chúng ta càng thêm tự hào và trân trọng, giữ gìn những thành quả cách mạng mà các thế hệ cán bộ, đảng viên và Nhân dân Thuận Châu đã giành được. Đảng, Nhà nước ghi nhận, biểu dương bằng nhiều phần thưởng cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ cứu nước và 03 đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp là: xã Long Hẹ, Bản Lầm, ban Công an xã Chiềng La...cùng những phần thưởng cao quý: 01 Huân chương Chiến công; 05 Huân chương khác, 2.90 tập thể, cá nhân được phong tặng, truy tặng Huân chương, huy chương kháng chiến chống Pháp, Mỹ; hơn 1.970 bằng khen các loại do Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ban ngành Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh tặng tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Dấu ấn 75 năm qua là động lực để Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện vững tin bước vào chặng đường phát triển mới. Khó khăn, thách thức còn nhiều ở chặng đường phía trước, song với kinh nghiệm lãnh, chỉ đạo của Đảng bộ huyện, cùng sự đoàn kết của chính quyền và Nhân dân sẽ là sức mạnh tổng hợp để huyện Thuận Châu viết tiếp những trang thành tích mới. Dẫu chặng đường phía trước với đích đến là huyện phát triển khá trong tỉnh còn bao thử thách nhưng từ kinh nghiệm trở thành bài học, lấy thành quả đạt được làm động lực và từ tầm nhìn để kiến tạo thêm những đột phá, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc Thuận Châu vững tin hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng giao phó để vùng đất năm xưa vinh dự được đón Bác về thăm ngày càng thay da đổi thịt, ngày càng phát triển như lời Bác căn dặn.
Trọng Đại (Trung tâm TT – VH Thuận Châu)