Trong những năm qua, huyện Thuận Châu đã vươn lên mạnh mẽ trong công tác phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo, bộ mặt nông thôm đã có nhiều khởi sắc. Tuy vậy cũng chưa thể khẳng định huyện Thuận Châu đã vơi bớt khó khăn bởi số hộ nghèo còn cao; nhu cầu vốn, nhu cầu tìm sinh kế vẫn là vấn đề trăn trở, suy nghĩ buộc mỗi người dân, các cấp, các ngành cần tìm ra giải pháp hữu hiệu.
Thực hiện Nghị định số 78 ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Thuận Châu trong 20 năm qua đã tạo được lòng tin đối với nhân dân, với các cấp ủy đảng, chính quyền góp phần vào thành công của tỉnh Sơn La nói chung, huyện Thuận Châu nói riêng về công cuộc xóa đói giảm nghèo và an sinh xã hội.
Với xứ mệnh giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, trong 20 năm qua Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Thuận Châu đã khẳng định được vai trò, vị thế là công cụ quan trọng trong sự nghiệp giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội; Đóng góp tích cực trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới; ổn định chính trị; quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế xã hội.

Ảnh: Mô hình chăn nuôi bò xã Mường Khiêng - Thuận Châu
Phòng giao dịch NHCSXH huyện Thuận Châu đã tích cực phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác triển khai đồng bộ và có hiệu quả các hoạt động tín dụng chính sách xã hội nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Đồng thời, đơn vị cũng đã nỗ lực củng cố nâng cao chất lượng tín dụng, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

Ảnh: Đàn bò gia đình ông Lò Văn Kiên - bản Tộn Pợ, xã Mường Khiêng
Gia đình ông Lò Văn Kiên, ở bản Tộn Pợ, xã Mường Khiêng, huyện Thuận Châu. Trước đây thuộc diện gia đình khó khăn, năm 2015 khi được tiếp cận nguồn vốn của Ngân hàng chính sách xã hội huyện, ông đã mạnh dạn vay vốn đầu tư mua bò về chăn nuôi. Nhờ chăm chỉ, chịu khó làm ăn nên đến năm 2018 gia đình ông đã trả được hết nợ của Ngân hàng CSXH và gia đình cũng thoát nghèo. Cùng với vốn của gia đình gia đình ông lại tiếp tục được cho vay thêm 50 triệu đồng để đầu tư trồng 300 gốc nhãn trên diện tích đất dốc, bạc màu. Từ đồng vốn vay chính sách mở rộng sản xuất gia đình ông đã có thu nhập ổn định. Đây chỉ là môt minh chứng và còn rất nhiều hộ khó khăn vươn lên thoát nghèo từ sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội.
Với mục tiêu đồng hành cùng đoàn viên thanh niên trong phát triển kinh tế, nguồn vốn vay từ NHCSXH đã giúp cho nhiều đoàn viên lập thân, lập nghiệp vươn lên thoát nghèo. Có nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh thu nhập hàng trăm triệu đồng trên năm. Gia đình anh Quàng Văn Long, bản Nà Lọ, xã Phổng Lăng đã được tiếp cận nguồn vốn vay đầu tư phát triển chăn nuôi bò giống, mỗi năm gia đình thu về lợi nhuận 50 - 70 triệu đồng. Anh Long cho biết: “Trước đây, gia đình khó khăn, vất vả, muốn phát triển kinh tế nhưng không có vốn. Năm 2019, tôi được vay 50 triệu đồng vốn từ NHCS ủy thác qua đoàn thanh niên xã để đầu tư nuôi bò. Nhờ nguồn vốn ưu đãi đó, tôi đã có cuộc sống ổn định hơn.”

Ảnh: Mô hình cà phê xã Chiềng Pha - Thuận Châu
Từ nguồn vốn vay chính sách đã có nhiều hộ dân nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận với nguồn vốn và mạnh dạn vay vốn đầu tư sản xuất phát triển kinh tế gia đình, tạo sinh kế và thu nhập ổn định. Ông Bạc Cầm Khiêm- Chủ tịch Hội Nông dân xã Mường Khiêng, Thuận Châu, Sơn La cho biết: “Nhờ có các gói vay vốn của NHCSXH cũng đã giúp được các hội viên nông dân giải quyết được việc làm, ổn định được đời sống và giúp đỡ nhau phát triển kinh tế - xã hội.”
Để vốn vay chính sách đến được các đối tượng, đúng mục đích và phát huy có hiệu quả là nhờ có sự phối hợp giữa Ngân hàng và các tổ chức chính trị xã hội từ huyện đến cơ sở. Trong đó Hội nông dân là một tổ chức có số hội viên đối tượng được hưởng từ nguồn vỗn ưu đãi này. Bà Nguyễn Thuý Ngọc – Chủ tịch Hội nông dân huyện cho biết: “Hội nông dân đã phối hợp với Ngân hang chính sách huyện tạo điều kiện cho các hội viên tiếp cận với nguồn vốn vây ưu đãi. Làm cầu nối chuyển tải nguồn vốn tín dụng đến với hội viên nghèo, cận nghèo có điều kiện để vay vốn phát triển sản xuất, tang thu nhập cải thiện đời sống. Đồng thời tang cường công tác kiểm tra từ cơ sở để tháo gỡ những khó khăn. Có thể nói từ nguồn vốn vay này đã giúp cho hội viên nông dân có điều kiện phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo…”.
Được ví như “cánh tay nối dài” của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Thuận Châu trong việc thực hiện tín dụng chính sách, vị trí và vai trò của Tổ tiết kiệm và vay vốn đã thực sự góp phần chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách đến các đối tượng thụ hưởng kịp thời, tiết giảm chi phí, thời gian cho người vay và tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Hiện nay trên địa bàn huyện Thuận Châu có 550 tổ Tiết kiệm và vay vốn tại 29 điểm giao dịch xã, thị trấn với dư nợ gần 660 tỷ đồng. Tỷ lệ giải ngân tại các điểm giao dịch xã đạt 100%.
Có thể khẳng định hiệu quả đồng vốn vay tín dụng chính sách và vai trò của Ngân hàng chính sách xã hội, những người đang thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ. Anh Lò Văn Dư - Cán bộ tín dụng Phòng giao dịch NHCSXH Thuận Châu tâm sự: “Tôi rất tự hào khi được là cán bộ, được làm việc và cống hiến tại NHCSXH, đơn vị được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ đồng hành cùng với người nghèo và các đối tượng chính sách khác phát triển kinh tế, để giúp họ không ai bị bỏ lại phía sau. Tôi rất vui khi được đóng góp một phần sức lực của mình để truyền tải nguồn và phát huy hiệu quả của nguồn vốn tín dụng chính sách giúp người dân xóa đói giảm nghèo đảm bảo an sinh xã hội. Mong Đảng nhà nước tiếp tục cố những chính sách ưu đãi hơn nữa cho người dân…”
Tín dụng chính sách triển khai qua hệ thống NHCSXH trong thời gian qua được đánh giá là một điểm sáng trong các chính sách giảm nghèo, một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn tình hình của địa bàn miền núi nói chung và huyện Thuận Châu nói riêng, góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.

Để chuyển tải vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, nâng cao chất lượng tín dụng, hỗ trợ tối đa cho người nghèo tiết giảm chi phí... NHCSXH thực hiện phương thức quản lý tín dụng chính sách đặc thù, đó là: Chủ tịch UBND cấp xã trực tiếp chỉ đạo, quản lý vốn tín dụng chính sách xã hội, quản lý vốn dân chủ, công khai trong cộng đồng dân cư.
Hiện nay, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện Thuận Châu gồm 40 thành viên hoạt động kiêm nhiệm. Trưởng Ban là đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách khối Tài chính - kinh tế, các thành viên gồm Trưởng các phòng Tài chính - kế hoạch, LĐTB&XH, NN&PTNT, phòng Dân tộc, Chủ tịch Hội Nông dân, Hội LHPN, Hội Cựu chiến binh, Bí thư huyện đoàn, Giám đốc NHCSXH huyện, Chánh văn phòng HĐND-UBND huyện, Chủ tịch UBND 29 xã, thị trấn trên địa bàn. Ông Lò Như Hệ -Chủ tịch UBND xã Tông Cọ cho biết: “Với tư cách là Ban đại diện UBND xã thường xuyên chỉ đạo cấp ủy, chi bộ tại các thôn, bản, tiểu khu đưa vào Nghị quyết chi bộ để lãnh đạo Trưởng thôn và các tổ chức chính trị - xã hội trong triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn; chỉ đạo các chi bộ, tổ chức chính trị - xã hội làm tốt công tác nắm bắt tình hình, tư tưởng quần chúng nhân dân, thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền các chính sách của đảng và nhà nước để người dân nắm bắt và triển khai thực hiện có hiệu quả. Đã góp phần xoá đói giảm nghèo ở cơ sở”.

Ảnh: Mô hình trồng cây có múi ở bản Nam tiến xã bon Phặng - Thuận Châu
Hàng năm, Ban đại diện HĐQT đều xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát hoạt động của NHCSXH và hoạt động tín dụng chính sách tại các xã, phân công nhiệm vụ cho các thành viên, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc kế hoạch kiểm tra, giám sát đã xây dựng, cụ thể. Việc triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội tại địa bàn cấp xã của Ban giảm nghèo, hoạt động nhận ủy thác của các tổ chức chính trị - xã hội, hoạt động của các Tổ Tiết kiện vay vốn và tại hộ vay vốn. Chủ động nắm bắt những khó khăn, vướng mắc phát sinh, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, sử dụng vốn vay hiệu quả.
Trong quá trình hoạt động, Phòng giao dịch NHCSXH huyện đã tập trung đẩy mạnh khai thác các nguồn vốn huy động từ các tổ chức, cá nhân trên địa bàn, thực hiện tốt việc huy động tiết kiệm từ người nghèo nhằm tạo thói quen tích lũy và hỗ trợ người nghèo từng bước tiếp cận với dịch vụ ngân hàng. Đặc biệt từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, hàng năm huyện Thuận Châu đều chuyển nguồn vốn ủy thác để NHCSXH cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch cấp trên giao.
Đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã được đầu tư đến 100% các xã, thị trấn trên địa bàn, tổng doanh số cho vay đạt 1.549.537 triệu đồng, tổng doanh số thu nợ đạt 905 tỷ 726 triệu đồng. Tốc độ tăng trưởng dư nợ đạt bình quân 21,36%/năm, tăng gấp hơn 40 lần, từ 16 tỷ 293 triệu đồng năm 2002 lên 658 tỷ 415 triệu đồng thời điểm 30/6/2022 với 17.125 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ; 100% người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận với các sản phẩm dịch vụ của NHCSXH. Ông Mùa A Tủa - Phó trưởng Phòng dân tộc cho biết: “Nguồn vốn tín dụng chính sách thực hiện trong những năm qua đã có tác dụng mạnh mẽ trong phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là đối với đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao dân tộc thiểu số. Đảng và Nhà nước đã có rất nhiều chính sách tín dụng ưu đãi dành riêng cho người dân tộc thuộc các vùng khó khăn này. Vốn vay đã giúp bà con có vốn, tư liệu sản xuất, học tập chuyển đổi nghề nâng cao chất lượng và hiệu quả lao động. Nguồn vốn thực sự là bà đỡ giúp đồng bào dần từng bước xoá đói, giảm nghèo vươn lên làm giàu và góp phần thay đổi tư tưởng chông chờ, ỷ lại, mong muốn cho không của một bộ phận người dân”.
Điểm đáng chú ý trong là bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát trong 2 năm qua đã ảnh hưởng nặng nề đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội cả nước nói chung, tỉnh sơn la và huyện Thuận Châu nói riêng. Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đã chủ động thực hiện một số giải pháp hỗ trợ do ảnh hưởng của đại dịch. Tổ chức phối hợp rà soát được 112 đối tượng đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn theo các chương trình của Nghị quyết số 11 cảu Chính phủ. Với nguồn vốn được phân bổ là 5 tỷ 600 triệu đồng, trong đó chương trình cho vay giải quyết việc làm tổ chức giải ngân 5 tỷ đồng cho 100 lao động, chương trình cho vay nhà ở xã hội 500 triệu đồng, chương trình cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn mua máy tính phục vụ học trực tuyến 100 triệu đồng cho 10 học sinh, sinh viên.
.jpg)
Ông Lê Xuân Tuyền, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Thuận Châu cho biết: “Từ một chính sách tín dụng dành cho hộ nghèo theo Nghị định số 78/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ trước đây, trải qua 20 năm, đến nay NHCSXH huyện Thuận Châu đã thực hiện trên 20 chính sách tín dụng cho các đối tượng chính sách khác, các chính sách tín dụng đều được nghiên cứu để phù hợp với các yếu tố vùng miền, dân tộc, tập tục, phương thức canh tác để thuận tiện cho các đối tượng chính sách khi tiếp cận nguồn vốn, đảm bảo tính nhân văn và hiệu quả của chính sách tạo sự tin tưởng và ủng hộ cao của người dân. Các chính sách đều được sơ kết, tổng kết và đánh giá để kịp thời điều chỉnh để phù hợp nhất với thực tiễn. có thể khẳng định tín dụng chính sách là công cụ hữu hiệu và là điểm sáng trong thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và an sinh xã hội. Trong thời gian tới NHCSXH huyện Thuận Châu sẽ tiếp tục chủ động tham mưu cho huyện ủy, UBND và Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện chỉ đạo điều hành hoạt động tín dụng chính sách hiệu quả, giúp người dân phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn vay, từng bước phát triển kinh tế hộ gia đình”.
Có thể khẳng định Phòng giao dịch NHCSXH huyện Thuận Châu đã và đang thực hiện thành công Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ. Trong 20 năm qua vừa góp phần tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa thể hiện sự quan tâm kịp thời của Đảng, Chính phủ tới các đối tượng yếu thế của xã hội, giúp họ tiếp cận được các dịch vụ tài chính với nhiều ưu đãi, qua đó, góp phần thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi thúc đẩy tiến bộ xã hội.
Trọng Đại (Trung tâm TT-VH Thuận Châu)