Lịch sử truyền thống văn hóa

Tông Cọ xưa kia là một bản thuộc lộng Chiềng Pấc, châu Mường Muổi. Năm 1954, xã Tông Cọ được thành lập.

Trước năm 1895, nhân dân Tông Cọ cũng như các địa phương khác phải sống dưới chế độ phìa tạo phong kiến hà khắc, xã hội phân hóa thành 2 tầng lớp chính: Tầng lớp thống trị gồm quý tộc Thái và các chức dịch thượng đẳng; tầng lớp bị thống trị là nông dân Thái hay những người vì hoàn cảnh phải làm người ở cho quý tộc gọi chung là “cuông, nhốc”, “pụa, pai”. Bộ phận nông dân tự do Thái tuy phải thực hiện nghĩa vụ lao động đối với tầng lớp trên nhưng còn có chút quyền tự do và còn được hưởng một suất ruộng công ít ỏi. Bộ phận cơ cực, nghèo nàn nhất chính là lớp người Thái bị bắt làm “côn hươn”, “pụa, pai”. Họ phải sống trong nhà quý tộc, chức dịch hoặc cư trú trong những bản riêng rẽ để phục dịch, hầu hạ, lao động không công cho chủ bất kể công việc và thời gian.

Khi thực dân Pháp vào xâm lược và đặt ách thống trị ở Sơn La, những bất công trong xã hội không những không thay đổi mà còn có phần gia tăng. Từ cấp châu mường trở xuống, bộ máy thống trị cũ tuy vẫn được thực dân Pháp giữ nguyên, nhưng những quyền hành rộng rãi trước kia bị thu hẹp hơn vì phải chia sẻ cho người Pháp. Vì thế, sự áp bức của quý tộc và chức dịch đối với nhân dân lao động còn có phần gia tăng bởi một số đặc quyền như thu thuế, bổ nhiệm các chức sắc không còn nữa, tầng lớp thống trị bản địa phải tìm cách bóc lột tinh vi hơn để củng cố quyền lợi của bản thân. Không chỉ bị chèn ép bởi tầng lớp trên, đời sống nhân dân các dân tộc còn thêm điêu đứng bởi các sắc thuế mới như thuế thân, thuế vợ chồng, thuế ruộng, thuế nhà, bị bắt phu, bắt lính và các chính sách chia rẽ dân tộc của thực dân Pháp. Một mặt chúng duy trì hệ thống đẳng cấp trước đó, đồng thời khơi sâu thêm sự bất bình đẳng giữa các dân tộc bằng cách khuyến khích họ bóc lột lẫn nhau, chia rẽ giữa các dân tộc và giữa các dòng họ trong cùng dân tộc, thực hiện chính sách ngu dân để dễ bề thống trị. Dưới chế độ thực dân phong kiến, nhân dân các dân tộc bị áp bức bóc lột tàn nhẫn, bị khinh rẻ và bần cùng hóa sâu sắc, lòng căm thù bọn thống trị và đế quốc trong nhân dân ngày càng dâng cao, chỉ chờ cơ hội là đồng bào tìm cách vùng dậy đấu tranh chống lại áp bức bất công.

Từ năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã lãnh đạo phong trào đấu tranh của nhân dân trong nước ngày một dâng cao. Tại Sơn La, ngọn lửa cách mạng từ các chiến sỹ cộng sản trong nhà ngục Sơn La đã lan tỏa đến Thuận Châu, nhen nhóm lên ở đây những hạt nhân cách mạng đầu tiên. Từ cuối năm 1944, đầu năm 1945, phong trào cách mạng lan rộng từ Mường Chanh (Mai Sơn) sang Bản Lầm, Tranh Đấu của Thuận Châu. Tại đây đã tổ chức được Đội thanh niên cứu quốc đi tuyên truyền giác ngộ những thanh niên tiên tiến ở các bản lân cận. Phong trào quần chúng sôi sục hơn bao giờ hết. Ngày 15-8-1945, phát xít Nhật đầu hàng đồng minh vô điều kiện. Ngày 21-8-1945 đồng chí Chu Văn Thịnh triệu tập cuộc họp khẩn cấp để lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền ở Tỉnh lỵ và các châu. Đồng chí Đỗ Trọng Thát và Quàng Đôn được giao nhiệm vụ đưa quân khởi nghĩa từ Tỉnh lỵ lên Thuận Châu phối hợp với lực lượng tại chỗ giành chính quyền ở châu lỵ. Ngày 22-8-1945, dưới sự chỉ huy của đồng chí Quàng Đôn và Đỗ Trọng Thát, đội quân khởi nghĩa gồm 20 tay súng từ bản Thé, Chiềng Xôm tiến lên Thuận Châu. Ở vùng bản Lầm, Tranh Đấu có sự phối hợp của một bộ phận quân khởi nghĩa Mường Chanh từ Tranh Đấu kéo về tập trung ở Pú Hốc (Bản Lầm), theo đường Muổi Nọi kéo lên châu lỵ. Tới Muổi Nọi, gặp cánh quân khởi nghĩa từ Mường La lên, hai cánh quân hợp thành một đội quân đông đảo, thu hút được quần chúng ủng hộ và cùng tiến về châu lỵ. Khoảng 2 giờ sáng ngày 23-8-1945, đoàn quân khởi nghĩa tiến vào bao vây châu đường, nổ súng thị uy. Một cánh quân khác tiến vào bao vây nhà Tri châu Bạc Cầm Quý. Trước khí thế áp đảo của quân cách mạng, Bạc Cầm Quý buộc phải đầu hàng, giao nộp ấn tín cho lực lượng cách mạng. Khởi nghĩa nhanh chóng thắng lợi ở Thuận Châu, Ủy ban cách mạng lâm thời được thành lập, tuyên bố xóa bỏ chế độ cũ, kêu gọi nhân dân ủng hộ chính quyền cách mạng xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Sau đó, một bộ phận quân cách mạng trở về tỉnh lỵ giành chính quyền đã đi qua khu vực Mường Khiêng, Bó Mười, Tông Cọ, Chiềng Ngàm để tuyên truyền, khuếch trương thắng lợi, kêu gọi nhân dân đoàn kết theo cách mạng. Đồng bào nô nức hưởng ứng phong trào khởi nghĩa, chính quyền tay sai ở Tông Cọ tan rã, phần lớn đều xin theo cách mạng. Chế độ “cuông, nhốc” tồn tại từ bao đời giày vò nhân dân đã bị xóa bỏ. Từ đây, nhân dân Tông Cọ từ thân phận người nô lệ lần đầu tiên được làm chủ quê hương, bản mường, hăng hái ủng hộ chính quyền mới.

Chính quyền cách mạng ở Thuận Châu ra đời mới hơn một tuần đã phải đương đầu với giặc ngoài, thù trong. Ngày 31-8-1945, tám ngày sau khi giành chính quyền thắng lợi ở Thuận Châu, quân đội Tưởng Giới Thạch đã ùn ùn kéo đến với danh nghĩa quân đồng minh vào tước khí giới quân đội Nhật. Dựa vào bọn phản động địa phương, chúng ngang nhiên giải tán Ủy ban cách mạng lâm thời tỉnh, bắt giữ các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của ta, đồng thời lôi kéo những phần tử tầng lớp trên ngả theo chúng. Ở Thuận Châu, bộ phận phản động do Bạc Cầm Quý đứng đầu đã ngả theo quân Tưởng, lôi kéo, ép buộc các chức dịch dưới quyền đi theo, hòng bóp chết chính quyền cách mạng còn đang trong trứng nước. Tham gia chính quyền mới sau Cách mạng tháng Tám phần lớn là tầng lớp trên trong chế độ cũ, nên một số đã ráo riết hoạt động chống phá, số còn lại trở nên lừng chừng, hoang mang.

Để củng cố cơ sở chính trị và đẩy mạnh phong trào cách mạng ở Sơn La, ngày 3-10-1945, đồng chí Dương Văn Ty, đặc phái viên của Trung ương Đảng dẫn đầu đoàn cán bộ của Tổng bộ Việt Minh nhanh chóng lên Sơn La để củng cố lại bộ máy chính quyền. Bằng nhiều biện pháp cấp bách trước mắt, hệ thống chính quyền các cấp, lực lượng vũ trang được củng cố một bước. Thành phần trong chính quyền được thay bằng những người đã qua thử thách, tuyên truyền, giác ngộ, có trình độ nhận thức và tiếp thu đường lối, chủ trương cách mạng của Đảng, có uy tín với đồng bào địa phương. Một số cán bộ được cử lên Mường É, Mường Piềng, Bó Mười, Mường Khiêng, Chiềng Ngàm, Tông Cọ… để giải thích bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vận động, tổ chức lại chính quyền và các đoàn thể quần chúng, xây dựng lực lượng vũ trang, huấn luyện kỹ, chiến thuật tác chiến du kích, tích cực chuẩn bị kháng chiến chống Pháp. Nhân dân các nơi đều phấn khởi hăng hái tham gia vì không phải nộp thuế, đi cuông nhốc cho bọn tạo phìa như trước. Công tác xây dựng đời sống mới ở các địa phương đang tiến hành hiệu quả thì thực dân Pháp quay trở lại xâm lược, đe dọa nền độc lập, tự do vừa mới giành được.

Tháng 11-1945, hai tiểu đoàn quân Pháp từ Côn Minh, Vân Nam qua Lào tràn vào đánh chiếm Lai Châu, kéo theo bọn phản động tay sai, qua Mường Mùn xuống chiếm đóng Điện Biên, Tuần Giáo, uy hiếp Thuận Châu. Về phía ta, được Trung ương Đảng và Chính phủ hết sức quan tâm, nhiều chi đội được cử lên chiến trường Sơn La chiến đấu chặn địch. Lực lượng vũ trang địa phương tạm thời giải tán sau Cách mạng tháng Tám đã tập trung trở lại kết hợp với lực lượng ở vệ quốc đoàn ở miền xuôi lên thành lập trung đoàn Sơn La từ ngày 22-12-1945 do đồng chí Lê Trọng Tấn phụ trách. Nhiều thanh niên Tông Cọ khi đó cũng hăng hái tham gia đoàn quân vệ quốc lên trực tiếp cùng quân và dân Tuần Giáo chặn địch, không cho chúng tiến nhanh về Thuận Châu, gây cho quân Pháp những tổn thất nặng nề. Đến tháng 4-1946, quân Pháp được tăng viện, tràn xuống tấn công Thuận Châu bằng hai cánh quân, một cánh quân từ Tuần Giáo theo quốc lộ 41 (Đường 6 ngày nay) xuống chiếm châu lỵ, Bạc Cầm Quý phản bội chạy theo địch, cho người dẫn đường xuống đánh Chiềng Pấc, trực tiếp uy hiếp khu vực tỉnh lỵ Sơn La. Tại đây diễn ra nhiều trận đánh quyết liệt giữa ta và địch. Quân dân vùng Chiềng Pấc, Tông Cọ, Tông Lạnh đã góp phần cùng các đơn vị chủ lực chặn đánh địch khiến chúng bị cầm chân ở phòng tuyến Chiềng Pấc đên gần hai tháng. Địch lại đưa một cánh quân theo sông Đà tràn xuống Mường Sại, Chiềng Bằng, Chiềng Khoang, tiến ra ngã ba Tông Lạnh, cùng với cánh quân bộ chọc thủng phòng tuyến Chiềng Pấc của ta. Lực lượng vũ trang của ta đã đánh trả một cách quyết liệt, ngăn chặn từng bước tiến của kẻ thù từ Tuần Giáo đến Mường É, Thuận lỵ, Chiềng Pấc, sau đó rút dần về Sơn La. Chiếm được Thuận lỵ, Chiềng Pấc, thực dân Pháp tiếp tục mở các cuộc càn quét vào các khu vực Muổi Nọi, Bản Lầm, Tranh Đấu, Mường Khiêng, Bó Mười nhằm tiêu diệt lực lượng vũ trang của ta, quyết tâm đánh chiếm Sơn La.

Mặc dù các đơn vị của ta đã chiến đấu hết sức anh dũng, nhưng do tương quan lực lượng quá chênh lệch, địch lấn dần từng bước hòng chiếm toàn bộ Thuận Châu. Bộ máy lãnh đạo kháng chiến của tỉnh phải dời xuống Hát Lót, đồng thời bố trí một tuyến phòng ngự kéo dài từ Mường Chanh (Mai Sơn), bản Lầm (Thuận Châu) đến bản Pảng, bản Tam, Bôm Nam (Chiềng Đen), Mường Khiêng (Thuận Châu), Mường Bú (Mường La) và sang tới tả ngạn sông Đà. Ta và địch giành giật với nhau từng tấc đất. Tại các chốt phòng ngự thuộc Mường La đều có dân quân tự vệ địa phương tham gia cùng bộ đội. Nhiều trận chiến đấu diễn ra quyết liệt, điển hình nhất là trận phục kích địch ở Hang Cọng (giữa Bó Mười và Bản Hìn), quân ta đã chiến đấu quyết liệt, chặn đánh địch suốt một ngày đêm, tiêu diệt nhiều địch, thu nhiều loại vũ khí, buộc đich phải lui quân. Gặp phải sự chống trả quyết liệt của ta, quân Pháp phải dừng chân ở Chiềng Pấc để củng cố lực lượng.

Đến tháng 1-1947, quân Pháp được tăng viện đã tràn xuống đánh chiếm Mường Chanh, Tỉnh lỵ, Mường La, Mường Bú. Thuận Châu bị địch chiếm đóng. Thực hiện chủ trương của tỉnh, chính quyền địa phương đã tổ chức đưa dân đi tản cư để tránh sự khủng bố của kẻ thù, nhất là các gia đình cơ sở cách mạng và gia đình có con em tham gia kháng chiến, nhân dân vùng cơ sở cách mạng cũ của Thuận Châu đã tạm biệt quê hương, họ hàng, bỏ lại nhà cửa, ruộng vườn để tản cư về vùng Yên Bái, Tuyên Quang. Nhiều nơi, người dân đã thực hiện “vườn không nhà trống”, tiêu thổ kháng chiến, tự tay đốt đi ngôi nhà thân yêu của mình, quyết tâm tản cư theo kháng chiến.

 Sau khi chiếm được Thuận Châu, thực dân Pháp tập trung tổ chức bộ máy ngụy quyền từ châu đến xã, bản, gọi bọn thống trị cũ, tầng lớp trên ra lập chính quyền bù nhìn, nhằm bình định lâu dài. Đặt xong bộ máy chính quyền các cấp, chúng bắt đầu sử dụng bộ máy này như một công cụ để khủng bố, đàn áp, bóc lột nhân dân. Nhiều vùng cơ sở cách mạng cũ bị chúng bắt bớ, lùng sục, trả thù những gia đình có con em tham gia kháng chiến. Thực dân Pháp ra sức tuyển mộ ngụy quân để bổ sung lực lượng, sử dụng bọn tay sai vào hệ thống mật vụ, chỉ điểm, đồng thời ra sức tuyên truyền, chia rẽ, lừa phỉnh nhân dân. Chúng đưa Bạc Cầm Quý trở về làm Tri châu Thuận Châu, đồng thời gom nhân dân chưa tản cư về tập trung ở châu lỵ, ra sức tuyên truyền, nói xấu cách mạng, chia rẽ nhân dân giữa các vùng, các dân tộc; ca ngợi nước Pháp bảo hộ, ca ngợi Bạc Cầm Quý, nói xấu, vu khống Việt Minh và tuyên truyền cuộc kháng chiến của ta đang đi đến chỗ thất bại, chúng còn ra sức tô vẽ cho cái gọi là “xứ Thái tự trị” để chia rẽ nhân dân. Tuy nhiên trải qua thực tế cuộc sống vô cùng cực khổ, nhân dân hiểu ra đó là trò bịp bợm của bọn đế quốc và tay sai nên không tin vào luận điệu tuyên truyền của chúng. Thấy rằng việc lập “xứ Thái tự trị” cũng chẳng đem lại kết quả gì, đến đầu năm 1949, địch cho đặt thêm viện dân biểu với mục đích đem mặt nạ dân chủ để lừa bịp nhân dân. Ngoài ra, chúng còn tổ chức đội võ trang Thanh niên Thái được trả lương chuyên đi do thám ở các bản nhằm phát hiện trong nhân dân những biểu hiện chống đối Pháp và tìm các dấu vết hoạt động của Việt Minh. Ngoài thủ đoạn mơn trớn, lừa phỉnh, lôi kéo, khủng bố nhân dân, chúng ra sức vơ vét thóc lúa của nhân dân, dùng chính sách dồn nhà, tập trung dân vào gần đồn để kiểm soát, nhằm phát hiện, ngăn chặn mọi hoạt động của ta. Sống trong cảnh tối tăm, cực nhục, bị o ép mọi bề của bọn xâm lược và tay sai, người dân Thuận Châu luôn hướng về cách mạng, ngày đêm mong chờ bộ đội Việt Minh trở về giải phóng bản mường.

Trong lúc tình hình ở Sơn La hết sức khó khăn, lực lượng kháng chiến của tỉnh phải rút về xây dựng căn cứ ở Mộc Hạ, Mộc Châu. Thuận Châu lúc này trở thành vùng địch tạm chiếm, lại nằm cách xa trung tâm kháng chiến của tỉnh, nên từ đầu năm 1947 đến giữa năm 1948 ta chưa có cán bộ để đưa vào Thuận Châu hoạt động gây cơ sở. Trong khi đó bộ máy ngụy quân, ngụy quyền ở đây được Pháp tổ chức hết sức chặt chẽ từ châu tới xã, bản và đây cũng là nơi điển hình về sự tập trung quyền lực thống trị của Pháp và bọn tay sai.

Sau khi xây dựng được chỗ đứng chân vững chắc ở Mộc Hạ, thực hiện chủ trương đưa cán bộ trở về hoạt động trong lòng địch, tháng 5-1948, Tỉnh ủy tổ chức hai đội xung phong Quyết Tiến và Chiến Thắng “nhảy dù” vào gây cơ sở ở Mai Sơn, Mường La, mở đường tiến lên Thuận Châu, phối hợp cùng với các đội xung phong của Khu và một số đại đội độc lập xây dựng các khu tranh đấu, khu du kích, phát triển lực lượng kháng chiến. Các đồng chí cán bộ dân vận của tỉnh như đồng chí Lương Sơn, Lê Doanh, Lê Sao, Anh Châu cùng với Đội Trung Dũng của khu đã trở về gây cơ sở ở vùng Mường Chanh, Bản Lầm rồi tiến lên vùng cao Thuận Châu như Long Hẹ, Co Tòng, Co Mạ, Mường Bám. Ở phía hữu ngạn sông Đà, Đội Chiến Thắng do đồng chí Hoàng Cầm La (tức Vũ Ngọc Thành) phụ trách, từ Mộc Châu lên Đá Đỏ, vượt qua sông Đà, qua Tạ Khoa lên gây cơ sở quần chúng tương đối vững chắc ở 3 xã Mường Bằng, Mường Chùm, Mường Bú. Cùng với việc củng cố khu tranh đấu ở ba xã trên, Đội còn phát triển cơ sở ra các xã lân cận như: Chiềng Xôm, Chiềng Nghiêm, Chiềng Cơi và Chiềng Đen (Mường La), Mường Khiêng (Thuận Châu).

Đến tháng 5-1949, tổ của đồng chí Cầm Dịn phụ trách đã liên lạc được với cơ sở tại Mường Khiêng, Thuận Châu. Cùng với việc tăng cường bảo vệ các nơi đang vũ trang tranh đấu, Đội Chiến Thắng tiếp tục đẩy mạnh gây cơ sở lên khu Mường Khiêng và các bản lân cận để xây dựng khu tranh đấu liên hoàn từ hữu ngạn sang tả ngạn sông Đà. Khu vực Mường Khiêng, Chiềng Ngàm, Bó Mười, Tông Cọ nằm trong địa bàn tuyên truyền, gây cơ sở của đội xung phong Chiến Thắng nên nhanh chóng chịu ảnh hưởng của kháng chiến, dần xây dựng được khu tranh đấu[1]. Tháng 10-1949, Tỉnh ủy điều đồng chí Hồng Ty (tức Phan Bá Ban) lên phụ trách khu tranh đấu Mường Khiêng, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Huyện ủy Mường La (lúc này Huyện ủy Mai - Thuận đang đóng ở sát biên giới Việt Lào và chủ yếu hoạt động ở vùng cao Long Hẹ, É Tòng, Co Mạ). Khu tranh đấu đã mở rộng ra trên địa bàn các xã Mường Khiêng, Bó Mười, Chiềng Ngàm, Liệp Tè (Thuận Châu), Nậm Ét, Liệp Muội[2] (Quỳnh Nhai), Tông Cọ và một phần của xã Chiềng Xôm, Chiềng Đen (thuộc Thành phố Sơn La ngày nay). Khu tranh đấu bị địch càn quét dữ dội, nhân dân phần lớn bị dồn về Thuận Châu và châu lỵ Mường La, chỉ còn sót lại khoảng hơn chục hộ dân với những bản làng xơ xác, những ngôi nhà sàn bị đốt cháy nham nhở. Chính sách của địch thực hiện ở khu tranh đấu Mường Khiêng là dồn dân tập trung, đốt phá kinh tế, cả khu không còn hạt thóc, củ khoai, muốn sống được chỉ còn cách dựa vào săn bắt, hái lượm trong rừng.

Tháng 10-1949, địch tiếp tục mở rộng đánh phá ra các lũng sơ tán của ta ở Mường Khiêng, tổ cán bộ ở đây đã lãnh đạo nhân sơ tán vào rừng, tổ chức tranh đấu với địch. Đồng thời phía Chiềng Chăn, Hát Lót, phía Mai Sơn địch cũng đánh phá lùa dân về nơi đóng quân của chúng ở Pom Chi, Pom Nghê, thực hiện việc kiểm soát gắt gao đường 41, ngăn chặn liên lạc của Đội Chiến Thắng từ Mường La, Mai Sơn về tỉnh. Do đó đường dây liên lạc với tỉnh đang đóng ở Mộc Châu bị gián đoạn. Để phá thế bao vây của địch, đồng chí Hoàng Cầm La chỉ thị cho đồng chí Việt Cường và Hoàng Phi Long đưa bộ đội địa phương cùng một số cán bộ của Mường La lên tạm trú ở khu tranh đấu Mường Khiêng, tìm đường vượt sông Đà sang tả ngạn để phát triển cơ sở mới, mở đường về tỉnh và trở lại liên lạc với cơ sở ở hữu ngạn.

Được đồng bào khu tranh đấu Mường Khiêng giúp đỡ cưu mang, sau khi bắt liên lạc được với cơ sở ở Hiếu Trai, tháng 1-1950, đội Chiến Thắng rút khỏi khu tranh đấu Mường Khiêng, tổ cán bộ do Đồng chí Hồng Ty phụ trách vẫn tiếp tục ở lại củng cố, giữ vững khu tranh đấu và mở rộng ra vùng tạm chiếm. Tổ có một chi bộ Đảng gọi là chi bộ Đoàn Kết với ba đảng viên do đồng chí Hồng Ty làm Bí thư. Các thành viên trong tổ gồm đồng chí Sam, bộ đội của huyện Mường La; đồng chí Vượng công tác đội. Cán bộ quần chúng gồm anh Hoàng Kim, thanh niên người Mường Chanh; anh Ơn bộ đội huyện; anh Dương Ùi thanh niên người Mường Bằng; Cầm Chinh công an viên người Phù Yên; anh Dọn tức Hùng, người Quỳnh Nhai; anh Ón Nọn, Bộ đội huyện và là thương binh nặng. Giao thông viên là 3 người dân vùng tranh đấu, ngoài ra còn có 3 em thiếu nhi bị địch bắt mất cha mẹ.

Trước tình hình đại bộ phận lực lượng của đội Chiến Thắng rút hết sang tả ngạn Sông Đà, để củng cố tinh thần cho cán bộ và quần chúng, Chi bộ đã hội ý và quyết nghị phải lập tức ổn định tư tưởng cho cán bộ, trước hết là đảng viên, tổ chức đọc Điều lệ của Đảng, nói rõ mục tiêu phấn đấu cho quần chúng. Đồng thời Chi bộ đã đưa ra nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tiếp theo là tổ chức vận động nhân dân sống xung quanh các đồn hồi cư; tổ chức lại các hoạt động sinh hoạt trong cơ quan, tìm cách liên lạc với Huyện ủy Mường La bên tả ngạn.

Từ tháng 1 đến tháng 9-1950, Chi bộ tổ chức kết nạp Đảng cho các đồng chí Hoàng Kim, Cầm Chinh, Ón và Dương Ùi, số đảng viên trong chi bộ tăng lên 7 đồng chí. Chi bộ được củng cố, kiện toàn đã tổ chức có hiệu quả việc vận động nhân dân đấu tranh đòi hồi cư. Với cách thức đấu tranh là xin cứu tế vì không còn thóc gạo, xin về bản để đào củ mài, xin đi kiếm ăn, xin đi chữa bệnh và chỉ để người già ở lại làm con tin. Trước những đòi hỏi chính đáng đó, phía đồn Tây phải nhượng bộ. Nhân dân trốn về bản tiếp tục sản xuất và giúp đỡ cán bộ hoạt động mạnh ở khu tranh đấu, phong trào quần chúng lên cao dần trở thành phong trào trốn trại trở về bản. Chi bộ còn tổ chức đột nhập vào nhà những tên tay sai đắc lực của địch, bắt chúng cam kết không hoạt động chống phá cách mạng.

Từ tháng 12-1950, địch tiếp tục càn quét mạnh, Chi bộ phải tạm lánh vào những bản có đồng bào bị bệnh phong và rừng ma (nghĩa trang của đồng bào Thái) để tránh địch. Không có quần áo, lương thực phải nhặt rau rừng để ăn, lấy quần áo ở nghĩa trang để mặc. Vượt qua vòng vây của địch, Chi bộ vượt núi để sang bản Lả Mường thuộc huyện Mường La rồi luồn về rừng bản Giáng Bôm Nam, cơ sở vững của chi bộ ở Chiềng Đen. Ở đây dân bản đã cung cấp thức ăn, quần áo cho cán bộ mặc, đồng thời cung cấp tin tức của địch, giúp Chi bộ trở về khu tranh đấu tiếp tục phát động nhân dân đấu tranh không nộp thóc cho địch, bày cách cho nhân dân trì hoãn, thoái thác việc nộp thóc.

Từ đầu năm 1951, địch đã tập trung lực lượng mạnh càn quét quyết liệt vào các khu căn cứ du kích của ta, lần lượt từng khu một, âm mưu phá vỡ cơ sở của ta, lấn dần từng bước để tiêu diệt cơ quan đầu não của tỉnh, phá vỡ khu căn cứ kháng chiến. Địch tập trung lực lượng lớn mở cuộc tấn công quy mô lớn vào các khu căn cứ Mai - Thuận, càn đến đâu chúng dồn dân về ở sát đồn đến đó để dễ bề kiểm soát, nhằm cô lập nhân dân với cán bộ, bộ đội. Chúng đốt phá nhà cửa, hoa màu, đồng thời giở các thủ đoạn mua chuộc, dụ dỗ nhân dân và những tên cầm đầu ở địa phương… lần lượt phá vỡ các khu căn cứ của Mai Thuận: Mường Sai, Dong Dăm, Mường Mần, Long Hẹ. Từ cuối tháng 7-1951, do có người trong hàng ngũ của ta ra hàng, đưa lính từ Sơn La vào đánh phá cơ sở của Chi bộ Đoàn Kết. Tháng 9-1951, địch cho quân về càn quét phá vỡ khu tranh đấu Mường Khiêng. Từ cuối năm 1951 đến đầu năm 1952, các khu tranh đấu ở Thuận Châu lại trở thành vùng tạm chiếm của thực dân Pháp. Tuy nhiên, những cơ sở kháng chiến do Chi bộ Đoàn Kết và nhân dân Thuận Châu gây dựng được tạo điều kiện quan trọng để bộ đội chủ lực trở lại hoạt động, tiến tới giải phóng Thuận Châu.

Từ giữa năm 1948 cho đến cuối năm 1951, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đoàn Kết, nhân dân khu vực hữu ngạn Sông Đà của huyện Thuận Châu đã xây dựng được khu tranh đấu Mường Khiêng trải rộng từ Mường Sại, Nậm Ét, Tông Cọ, Chiềng Ngàm, Liệp Tè, Mường Khiêng, Bó Mười (Thuận Châu) đến Chiềng Đen, Chiềng Xôm (giáp tỉnh lỵ Sơn La). Trong quá trình đó có sự đoàn kết đấu tranh rất tích cực của nhân dân Tông Cọ, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Pháp ở Thuận Châu tiến lên một bước quan trọng, tích cực chuẩn bị chiến trường cho bộ đội chủ lực lên giải phóng Thuận Châu, Sơn La. Từ khu vực trắng trong vòng kiểm soát của địch, Chi bộ Đoàn Kết đã nhen nhóm lên ngọn lửa kháng chiến ngày càng lan rộng ở Tông Cọ và khu vực hữu ngạn sông Đà. Ngày 10-12-1951, Huyện ủy Mường La ra quyết định giải tán chi bộ Đoàn Kết, thành lập đội vũ trang để khôi phục, củng cố vùng tranh đấu Hữu ngạn, do đồng chí Hồng Ty trực tiếp làm Đội trưởng kiêm Bí thư chi bộ.

Xuất phát từ yêu cầu của cuộc kháng chiến, sau những thắng lợi của ta ở đồng bằng, trung du và nhất là chiến dịch Hòa Bình, thấy rõ tầm quan trọng chiến lược của địa bàn Tây Bắc, Trung ương Đảng đã chủ trương chuyển hướng tiến công lên Tây Bắc. Để chuẩn bị cho chiến dịch Tây Bắc, đầu tháng 4-1952, Trung ương Đảng đã ra chỉ thị khẩn trương xúc tiến công tác chuẩn bị mọi mặt cho chiến dịch. Tháng 9-1952, Bộ chính trị Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Tây Bắc nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng một bộ phận đất đai Tây Bắc, mở rộng khu căn cứ địa Việt Bắc.

Ngày 14-10-1952, chiến dịch Tây Bắc mở màn. Sau 11 ngày đêm chiến đấu kiên cường, từ 14 đến 24-10-1952 đợt 1 của chiến dịch Tây Bắc kết thúc thắng lợi. Ta đã đánh tan đại bộ phận quân địch, giải phóng phân khu Nghĩa Lộ, tiểu khu Phù Yên, vùng tả ngạn Mường La và huyện Quỳnh Nhai, thu nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh của địch.

Sau khi rút kinh nghiệm đợt 1 và củng cố lực lượng, Bộ chỉ huy chiến dịch Tây Bắc quyết định bước vào đợt 2 của chiến dịch với nhiệm vụ vượt sông Đà, tạo điều kiện giải phóng Sơn La và Lai Châu. Từ ngày 17 đến 22-11-1952, các đơn vị bộ đội vượt sông Đà tấn công tiêu diệt địch, giải phóng Mộc Châu, Yên Châu… Phối hợp với các đơn vị, một cánh quân vu hồi từ bắc Sơn La và Nam Lai Châu gồm Trung đoàn 165 và Tiểu đoàn 910 của trung đoàn 148 đã tiến công giải phóng Tuần Giáo, sau đó thọc xuống giải phóng Thuận Châu ngày 21-11-1952. Ngày 22-11-1952, địch rút chạy khỏi tỉnh lỵ Sơn La và tập kết về Nà Sản. Trong chiến dịch Tây Bắc, đồng bào Tông Cọ đã cùng với nhân dân Thuận Châu nô nức hưởng ứng phong trào xay thóc, giã gạo cung cấp cho bộ đội. Nhiều thanh niên hăng hái tham gia đưa đường, làm liên lạc, phục vụ chiến đấu, góp phần vào thắng lợi chung trong chiến dịch.

Trước nguy cơ bị mất hoàn toàn vùng Tây Bắc, thực dân Pháp đã cấp tốc xây dựng Nà Sản thành một tập đoàn cứ điểm, thu gom toàn bộ số quân còn lại co về Nà Sản, đồng thời tăng thêm binh lực cho cứ điểm này thành một hệ thống phòng thủ liên hoàn. Đêm 30-11-1952, ta mở chiến dịch tấn công cứ điểm Nà Sản. Do ta chưa nắm chắc tình hình tập đoàn cứ điểm, địch phản kích lại một cách kịch liệt, bộ đội ta chưa được huấn luyện về kỹ, chiến thuật đánh tập đoàn cứ điểm lớn; ngày 10-12-1952, Bộ Chỉ huy quyết định kết thúc chiến dịch. Chiến dịch Tây Bắc thắng lợi, Thuận Châu được hoàn toàn giải phóng, đây là mốc son chói lọi đi vào lịch sử kháng chiến anh dũng của nhân dân các dân tộc Thuận Châu.

Sau chiến dịch Tây Bắc năm 1952, do địch co cụm lại Nà Sản, chúng thỉnh thoảng lại tổ chức càn quét ra các vùng xung quanh. Việc liên lạc và chỉ đạo của tỉnh Sơn La với Thuận Châu rất khó khăn nên huyện Thuận Châu được cắt về tỉnh Lai Châu. Hệ thống chính quyền ở Tông Cọ lúc này vẫn đang trong thời kỳ củng cố, kiện toàn. Công việc đầu tiên của chính quyền địa phương là tiếp quản vùng giải phóng, giải thích cho dân hiểu rõ 10 chính sách vùng giải phóng của Đảng và Chính phủ. Đồng thời, gấp rút xúc tiến lập chính quyền xã và đoàn thể các giới, chọn thanh niên để thành lập dân quân tự vệ; chỉ đạo nhân dân trở về bản cũ, tiếp tục sản xuất. Những công việc đó vừa mới bắt đầu thì quân Pháp từ Nà Sản kéo lên càn quét và chiếm đóng Thuận Châu.

Trong năm 1953, địch đã tiến hành âm mưu trên bằng cách dùng quân cơ động từ Nà Sản và Lai Châu càn quét ra các vùng xung quanh, đánh phá các cơ sở của ta, lập lại đội ngũ do thám, đồng thời mang theo một số Việt gian phản quốc về huấn luyện rồi tổ chức thành biệt kích tung về các địa phương tuyên truyền, lôi kéo nhân dân, bí mật gây cơ sở. Khi đã gây được cơ sở chúng bắt đầu phát triển thổ phỉ hoạt động công khai chiếm đóng nhiều nơi. Một mặt chúng dùng máy bay thả dù tiếp tế vũ khí, lương thực và cử những tên Pháp cùng những tên tay sai đắc lực thông thạo các địa phương xuống chỉ huy lực lượng phỉ. Chúng cho nhiều máy bay đến bắn phá các làng bản để khuyến khích bọn phỉ hoạt động mạnh. Nhiều địa bàn khi địch chuẩn bị rút chúng đã có kế hoạch gài lại một số do thám, biệt kích bí mật hoạt động gây cơ sở. Sau khi chiếm đóng các vị trí ở Yên Châu, Cò Nòi, Hát Lót (tháng 1-1953) và tỉnh lỵ Sơn La (ngày 21-5-1953), ngày 25-5-1953 quân Pháp chia làm hai cánh quân đánh lên Chiềng Pấc, Co Tòng, lúc này cơ sở của chúng đã có ở hầu hết các xã trong huyện. Ngày 7-6-1953, địch tiến lên chiếm huyện lỵ Thuận Châu, ra sức xây dựng, củng cố công sự. Ngày 13-6-1953, địch càn quét xã Mường Piềng, Mường Sại. Sau một thời gian chiếm gần hết đất Thuận Châu, địch tổ chức lập lại bộ máy ngụy quyền cũ, tổ chức gián điệp ở khắp các xã, bản. Chúng tiến hành lùng sục, đốt phá kho tàng, đánh úp cơ quan bộ đội, cán bộ, du kích của ta. Chúng đưa Bạc Cầm Ruồng, Bạc Cầm Quý về kêu gọi bọn ngụy quân, ngụy quyền cũ ra làm việc cho chúng, đến đâu chúng tung muối, vải ra để mua chuộc, dụ dỗ nhân dân. Hầu hết các kỳ mục, phìa tạo, chức dịch ở các xã Chiềng Pấc, Co Tòng, Hua Mường, Lả Mường, Mường Piềng, Mường Sại đều đem dân ra hàng địch.

Sau chiến dịch Thượng Lào, ngày 10-7-1953 địch phải rút quân chính quy ra khỏi Thuận Châu co về giữ Nà Sản, gài lại ở đây một số quân do Bạc Cầm Thủy, Lò Văn Ón, Bạc Cầm Hao, Bạc Cầm Dương chỉ huy và tăng cường thêm một số lính do thám. Lực lượng phỉ ở Thuận Châu gồm 2 đại đội ở huyện lỵ do Bạc Cầm Thủy chỉ huy, một đại đội ở Mường Khiêng do Quàng Văn Túi chỉ huy, một đại đội ở Muổi Nọi do Lò Văn Xuyên chỉ huy. Bọn phỉ đã ráo riết hoạt động, đánh úp bản Cù, bản Hinh, mai phục bắt cán bộ giao thông, liên lạc của ta. Ngày 27-9-1953, địch càn quét lên Mường Bám, ngày 29-9-1953 lên Mường É. Chúng tăng cường bắt lính, thổ phỉ hóa nhân dân, ra lệnh mỗi gia đình phải có một người đi lính áo đen. Trẻ em mới 15 tuổi cũng phải đi, phụ nữ ở nhà phải làm nhiệm vụ báo tin cho phỉ. Thủ đoạn bắt lính của chúng là cho bọn đầu sỏ đi vây các bản, ai kháng cự thì bị bắn ngay tại chỗ, ai trốn sẽ bị bắn hoặc cầm tù cả nhà, nắm ruộng đất để bắt lính, gia đình nào không có người đi lính sẽ bị thu ruộng… Từ tháng 7 đến tháng 10-1953, chúng đã bắt 1.800 thanh niên, phát súng, huấn luyện quân sự rồi đưa đi càn quét. Bản nào không theo thì chúng tiến hành khủng bố, chỉ điểm cho máy bay bắn phá cả bản như bản Ngà, Nà Khoang, Hua Mường… Đồng thời chúng xuyên tạc chính sách của ta để chia rẽ dân tộc, nhất là chính sách khoan hồng, làm cho nhân dân rất hoang mang, lo lắng và phần nào tin vào luận điệu tuyên truyền đó.

Trước tình hình đó, tháng 10-1953, Khu ủy đã thành lập Ban tiễu phỉ do đồng chí Trần Quyết – Khu ủy viên làm Trưởng ban, lực lượng chủ lực có Trung đoàn 176. Ngày 14-10-1953, bộ đội tiến đánh Mường É, ngày 23-10-1953 tấn công phỉ ở khu vực Mường Lầm, ta truy kích đánh các đồn Muổi Nọi, Chiềng Pấc. Ngày 1-11-1953, ta bao vây tấn công phỉ ở huyện lỵ Thuận Châu, toàn bộ số phỉ ở đây ra hàng, sau đó ta tiếp tục tiến đánh lên Co Tòng. Nhân dân Tông Cọ đã tích cực phối hợp cùng bộ đội truy bắt, kêu gọi tàn phỉ ra hàng. Trong một thời gian chưa đầy nửa tháng, ta đã tiêu diệt đại bộ phận phỉ ở Thuận Châu, tổng số phỉ bị tiêu diệt, bắt và ra hàng lên tới 2.300 tên, thu 39 trung liên, 87 tiểu liên, 85 súng trường. Chiến dịch tiễu phỉ ở Thuận Châu kết thúc, ngay sau đó ta đã tiến hành công tác tuyên truyền, vận động nhân dân về bản tiếp tục lao động, sản xuất; tiếp tục tiễu trừ tàn phỉ, thực hiện tạm chia ruộng công, ruộng chức cho nông dân; giải quyết nhu cầu tiêu dùng thiết yếu cho dân; huy động một phần nhân lực, vật lực phục vụ tiền tuyến, đào tạo các nhân tố tích cực ở các xã, bản để chuẩn bị xây dựng chính quyền và các tổ chức quần chúng.

Tháng 11-1953, triển khai kế hoạch tác chiến, Bộ Tổng tư lệnh cho bộ đội chủ lực tiến lên Tây Bắc, nhằm giải phóng Lai Châu và quét sạch bọn phỉ ở Sơn La. Đảng và Chính phủ quyết định tập trung toàn lực lượng vào chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 và mở chiến dịch Điện Biên Phủ tiêu diệt địch, giải phóng hoàn toàn Tây Bắc.

Tháng 2-1954, Thuận Châu trở về trực thuộc tỉnh Sơn La, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng bộ tỉnh. Huyện đã kịp thời chỉ đạo các địa phương, trong đó có Tông Cọ thực hiện công tác cứu đói, chống đói, tăng cường cán bộ về các xã điều tra khả năng lương thực của nhân dân, vận động nhân dân tích cực tăng gia sản xuất, trước hết cần trồng thêm sắn, màu, rau, khoai… để cứu đói. Tuyên truyền động viên nhân dân góp sức người, sức của phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Hướng dẫn nhân dân tăng gia sản xuất, tự điều hòa, giúp đỡ lương thực, nhất là những gia đình có người thân đi dân công, bộ đội; ở các xã đều thành lập Ban tăng gia sản xuất, vận động nhân dân cùng giúp đỡ nhau sản xuất, chia sẻ sức kéo, thay phiên nhau sử dụng trâu cày, kịp thời cày cấy mùa vụ, bắt diệt sâu bọ, làm mương phai, cung cấp giống, nông cụ sản xuất cho nhân dân, bảo vệ sản xuất, kịp thời thu hoạch, tránh thú rừng phá hoại. Vận động và tổ chức trong cán bộ, bộ đội, công nhân viên quyên góp, giúp đỡ dân về nông cụ sản xuất, muối, trích gạo cho dân vùng đói vay. Vận động phụ nữ học cày bừa. Những cố gắng trong tăng gia sản xuất của địa phương đã phần nào giải quyết được tình trạng thiếu ăn trong nhân dân và đóng góp cho bộ đội “ăn no, đánh thắng”.

Cùng với việc động viên nhân dân tăng gia sản xuất, huyện đã chỉ đạo các địa phương tiến hành công tác thuế nông nghiệp, tổ chức cho nhân dân học tập về thuế nông nghiệp, mở lớp huấn luyện cho quần chúng trung kiên và cán bộ. Việc củng cố chính quyền các cấp được tiến hành. Để củng cố chính quyền cấp xã, đặc biệt là trong tuyên truyền, huy động nhân dân đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến, để củng cố chính quyền các cấp, tạo sự thuận lợi trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở, từ đầu năm 1954, huyện đã tiến hành chia lại các xã cho hợp lý, từ 8 xã cũ thành 27 xã mới. Theo chủ trương đó, xã Tông Cọ được tách ra từ xã Chiềng Pấc, chính thức trở thành một đơn vị hành chính thuộc huyện Thuận Châu. Lúc này ông Lò Văn Ngay ở bản Lào làm Chủ tịch đầu tiên của xã Tông Cọ. Ngay sau khi thành lập, cán bộ và nhân dân trong xã phấn khởi, tích cực tham gia xây dựng chính quyền dân chủ, thực hiện các chính sách của Đảng và Chính phủ.

Mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn, nhưng phấn khởi trước những thắng lợi của ta trên chiến trường, lòng mong mỏi được sống trong không khí tự do, hòa bình, lại được chính quyền địa phương hết sức động viên, khích lệ, nhân dân các dân tộc Tông Cọ đã tự nguyện hăng hái cho Chính phủ vay gạo, thực phẩm, tích cực đi dân công phục vụ chiến trường, không tiếc máu xương trên những con đường huyết mạch nối tới Điện Biên Phủ, dưới làn mưa bom, bão đạn của máy bay địch ngày đêm bắn phá hòng ngăn cản sự tiếp viện của ta ra mặt trận, nhất là các trọng điểm đèo Chiềng Pấc, đèo Pha Đin… góp sức cùng thanh niên các dân tộc Thuận Châu không quản hi sinh gian khổ ngày đêm san đường, tải lương thực, đạn dược cho bộ đội, góp phần tích cực vào thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ

Sau 55 ngày đêm chiến đấu anh dũng của quân và dân ta, ngày 7-5-1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, giáng một đòn quyết định vào những nỗ lực cuối cùng của quân đội Pháp ở Đông Dương. Ngày 20-7-1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương được ký kết, kết thúc 9 năm kháng chiến trường kỳ, anh dũng của dân tộc ta, cách mạng nước ta bước sang một giai đoạn mới. Trong thắng lợi chung của chiến dịch, nhân dân các dân tộc Tông Cọ đã đóng góp một phần sức người, sức của cho sự toàn thắng đó.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã kết thúc một chặng đường đấu tranh gian khổ nhưng hết sức kiên cường, anh dũng của nhân dân ta. Trong thắng lợi chung đó, nhân dân các dân tộc Tông Cọ đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hi sinh, công hiến sức người sức của cho sự nghiệp độc lập tự do của dân tộc. Mặc dù sống trên mảnh đất mà kẻ thù đặt chế độ cai trị của bộ máy phong kiến phản động địa phương hết sức hà khắc và phản động, nhưng với truyền thống yêu nước, khát vọng độc lập, tự do, thoát khỏi cuộc sống cùng cực tăm tối, dưới sự lãnh đạo của Ban Cán sự Đảng huyện Thuận Châu, nhân dân Tông Cọ đã tin tưởng và đi theo Đảng làm cách mạng, góp phần vào thắng lợi chung của cả dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Phát huy truyền thống yêu nước, sức mạnh đoàn kết trong kháng chiến, nhân dân Tông Cọ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng nhân dân Thuận Châu và cả nước bước vào giai đoạn cách mạng mới, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trích Chương 1, cuấn “Lịch sử Đảng bộ xã Tông Cọ 1945 - 2020)

 

 

 



[1] Khu tranh đấu là nơi chịu ảnh hưởng của ta, là nơi hoạt động cũng như cung cấp lương thực, thực phẩm cho cán bộ, khi địch vào càn quét, cán bộ hướng dẫn nhân dân tạm lánh vào rừng, bình thường lại trở về sản xuất.

[2] Hai xã này trước đây vẫn thuộc Thuận Châu, năm 2003 mới chuyển về huyện Quỳnh Nhai. Riêng xã Liệp Muội nay đã giải thể vì phần lớn đất đai chìm dưới lòng hồ thủy điện Sơn La.

Thông tin mới nhất






Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập