Điều kiện tự nhiên và dân cư

1. Địa danh và điều kiện tự nhiêm

Trước năm 1977 ở Thuận Châu có các xã Phổng Lạnh (Tông Lạnh), Phổng Lái, Phổng Cọ (Tông Cọ). Phổng Cọ theo tiếng Thái nghĩa là vùng đất trũng thấp như lòng chảo, có núi bao quanh tương đối khép kín, có nhiều cây cao bị che khuất tầm mắt. Từ sau năm 1977, do xã Chiềng Sơ của Thuận Châu trùng với tên xã Chiềng Sơ của huyện Sông Mã và xã Chiềng An trùng với tên xã Chiềng An của huyện Mường La (nay thuộc TP Sơn La). Do đó, Huyện đã đề nghị đổi tên xã Chiềng Sơ thành Phổng Lăng, Chiềng An đổi thành Phổng Lập. Để dễ phân biệt với hai xã mới, hai xã Phổng Lệnh, Phổng Cọ cũng được đổi thành Tông Lạnh, Tông Cọ và được dùng cho đến nay. Tông Cọ trong tiếng Thái cũng có nghĩa là vùng đất bằng phẳng, trù phú có nhiều đồng ruộng bị che khuất giữa những dãy núi cao. Đồng thời, việc đổi tên thành “Tông” cũng có nghĩa là dân cư ở đây đã khai phá được những cánh đồng rộng lớn “Tông na quảng” và trở thành khu vực có nhiều ruộng lúa nhất nhì ở Thuận Châu.

Là một xã vùng cao của huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La, Tông Cọ có tọa độ địa lý điểm trung tâm 21025’11’’ vĩ Bắc – 103047’12’’ kinh Đông, phía Đông giáp xã Bó Mười, huyện Thuận Châu và xã Chiềng Đen, TP Sơn La; phía Tây giáp xã Tông Lạnh và Chiềng Pấc, phía Nam giáp xã Chiềng Pấc và Chiềng Đen, phía Bắc giáp xã Chiềng Ngàm và Nong Lay. Từ trung tâm huyện đến trụ sở xã khoảng 10km theo quốc lộ 6 và tỉnh lộ 107; từ TP Sơn La đến trụ sở xã đi theo quốc lộ 6 đến ngã ba Tông Lạnh rẽ vào tỉnh lộ 107 dài 26km. Xã có diện tích tự nhiên 3.467,73 ha, độ cao trung bình từ 600 – 800m so với mực nước biển. Các dãy núi chạy theo hai hướng chính là Đông Bắc – Tây Nam và Tây Bắc – Đông Nam; xen lẫn giữa những dãy núi là các cánh đồng màu mỡ dọc theo con suối Nặm Muổi như cánh đồng bản Lè, bản Nà Cáy, những bình nguyên giữa các dãy núi ở bản Nà Lạn, bản Bay. Nhiệt độ trung bình hàng năm 210c, mùa khô trùng với thời tiết lạnh từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, mùa nóng trùng với mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 10. Hàng năm vào các tháng 9,10,11 thường có sương mù vào buổi sáng, rét đậm, rét hại vào tháng 1 đến tháng 3 hàng năm.

Nguồn nước phục vụ dân sinh và sản xuất dựa vào dòng suối Muổi và hồ thủy điện Chiềng Ngàm Thượng, suối bản Bay và một số mạch nước ngầm từ mó Nành, mó Huổi Táp, mó Sen To. Chất lượng nguồn nước tương đối tốt. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của việc xả thải trong chế biến cà phê đã dẫn tới việc ô nhiễm nguồn nước trong những năm gần đây, gây khó khăn cho sinh hoạt của nhân dân. Các mạch nước vào mùa khô hạ thấp, lại phân bố không đồng đều, tập trung chủ yếu ở vùng thấp nên nhiều vùng thường thiếu nước vào mùa khô.

Xã có 652,39 ha rừng tự nhiên và 100 ha rừng trồng, rừng phòng hộ khoảng 20 ha chủ yếu là cây thồ lộ. Diện tích rừng cao su trên địa bàn có 58,4 ha. Quanh xã đều là đồi núi, có nhiều hang động như: hang bản Hình, sâu 500m, rộng 15m; hang Thẳm Thuổi, khu Púng Luông gần bản Nà Lạn; hang bản Cọ đều là nơi trú ẩn của nhân dân trong thời gian chiến tranh. Trong rừng có các động vật tự nhiên như khỉ, sóc, gà rừng, cò... thực vật chủ yếu là cây thồ lộ và một số cây dược liệu. Điều kiện tự nhiên ở xã Tông Cọ khá đặc trưng cho vùng núi Tây Bắc nước ta. Địa hình chia cắt mạnh với nhiều cảnh quan sinh thái khác nhau và sự đa dạng của khí hậu trong vùng là những yếu tố thuận lợi để phát triển các loại cây trồng. Tuy nhiên tình trạng thiếu nước vào mùa khô cùng với những diễn biến thời tiết thất thường luôn là những yếu tố gây cản trở trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp của địa phương.

2. Dân cư

Năm 1973, xã Tông Cọ có 241 hộ, 100% là dân tộc Thái sinh sống trong 9 bản với 1.805 nhân khẩu. Năm 1982, xã có 300 hộ với dân số khoảng 3.000 người. Năm 2009, sau 36 năm quy mô dân số xã Tông Cọ lớn hơn gấp 5,3 lần. Theo tổng điều tra dân số và nhà ở ngày 01-4-2009, dân số các dân tộc xã Tông Cọ có 5.829 người.

Bảng: Dân số xã Tông Cọ phân theo dân tộc, giới tính, năm 2009.

Dân tộc

Nam

Nữ

Tổng cộng

Kinh

71

62

133

Thái

2.901

2.789

5.690

Tổng cộng

2.972

2.851

5.823

Tính đến ngày 31-12-2015, xã có 1.277 hộ với 6.393 nhân khẩu gồm hai dân tộc cùng cư trú, trong đó dân tộc Kinh có 14 người (0,3%), dân tộc Thái là 6.379 người (99,7%). Tính đến hết năm 2020, dân số xã Tông Cọ có 6.547 người.

Xã Tông Cọ có 9 bản được hình thành từ lâu đời là: bản Hình, bản Lào, bản Lè, bản Nà Cáy, bản Thúm, bản Phé, bản Cọ, bản Bay, bản Sen To. Đến năm 1995 hình thành các bản Huổi Táp, Phiêng Phai, Búa Có, Nong Hùm theo chủ trương tách hộ, giãn bản, sắp xếp lại dân cư của Chính phủ. Đồng thời, bản Lè được tách thành 3 bản là Lè A, Lè B, Lè C; bản Bay được tách thành bản Bay A, Bay B và bản Bon; bản Phé được tách thành ba bản Phé A, Phé B và Phé C; bản Cọ được tách thành hai bản là Cọ A và Cọ B. Năm 2007 xã Tông Cọ đón nhận đồng bào tái định cư của xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai về sinh sống tại bản Nà Lạn. Tính đến ngày 31-12-2015, xã Tông Cọ có 21 đơn vị dân cư.

Thực hiện Nghị quyết 165 của Hội đồng Nhân dân tỉnh Sơn La, năm 2019, các bản Lè A, B, C được sáp nhập thành bản Lè; bản Cọ A, B sáp nhập thành bản Cọ; bản Phé A, B, C được sáp nhập thành bản Phé; các bản Sen To, Búa Có, Phiêng Phai, Nong Hùm được sáp nhập thành bản Sen To; bản Thúm và bản Nà Cáy được sáp nhập thành bản Thúm Cáy. Đến năm 2020, xã Tông Cọ có 12 bản (Hình, Lào, Huổi Táp, Lè, Thúm Cáy, Nà Lạn, Bay A, Bay B, Bon, Sen To, Cọ, Phé).

Trích cuấn “Lịch sử Đảng bộ xã Tông Cọ 1945 - 2020)

Thông tin mới nhất






Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập