Nữ doanh nhân đam mê với cây chè
Lượt xem: 599
Với 1.459 ha diện tích trồng chè cho sản lượng đạt trên 9.000 tấn/năm, huyện Thuận Châu trở thành một trong những nơi có nhiều HTX, đơn vị sản xuất và doanh nhân kinh doanh mặt hàng chè. Trong đó có bà Nguyễn Thị Bình, người phụ nữ với phong cách giản dị, năng động và cũng không kém phần rắn rỏi, bà là người đang chèo lái HTX Bình Thuận xây dựng lên thương hiệu chè Trọng Nguyên là một trong những sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia.

 

Là người được sinh ra và lớn lên tại đất Phổng Lái, huyện Thuận Châu. Ngày từ khi còn nhỏ, cuộc sống của như đã gắn liền với cây chè. Biết được những nỗi khó khăn, nhọc nhằn của người trồng chè khi được mùa, mất giá. Với sự động viên, hỗ trợ của gia đình và sự tin tưởng của bà con nhân dân, bà đã cùng đứng ra thành lập HTX Kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận. Những năm đầu tiên, bà Nguyễn Thị Bình cho biết, do cơn khủng hoảng mà sản phẩm chè gặp phải lúc bấy giờ, nhiều bà con đã muốn phá bỏ vùng chè để trồng cây cà phê. HTX cũng đã tích cực động viên, tuyên truyền để bà con nông dân tiếp tục vững tin vào cây chè. Thời điểm bắt đầu, HTX được giao vùng nguyên liệu, diện tích trồng chè là hơn 300ha, cho đến nay đã lên tới 1.300ha,  HTX  đã cam kết bao tiêu sản phẩm đầu ra cho bà con nên giá cả đã ổn định hơn.

 Chia sẻ về những khó khăn ban đầu khi mới khởi nghiệp bà Nguyễn Thị Bình  cho biết : “Sau khi thành lập HTX và thu mua, bao tiêu thì cái đam mê về chè của mình dần dần nó được tăng lên thì cũng gặp rất là nhiều khó khăn vì lúc đó thì các con vẫn đang còn nhỏ, còn đang đi học, chồng thì công tác. Những lúc thăng trầm đấy thì cùng nhau chia sẻ cùng bà con, cùng HTX rồi cùng gia đình đều cố gắng bình tĩnh giải quyết từng bước một để làm thế nào đấy nó có cái kết quả tốt nhất. Còn về bản thân thì thực ra cái sức khỏe là cũng còn hạn chế rất nhiều nhưng đã kinh doanh rồi thì phải theo. Quan trọng nhất là do cái đam mê về chè nên là còn phải cố gắng rất là nhiều. Cũng được sự quan tâm của các cấp các ngành thì cũng được đi trưng bày giới thiệu sản phẩm ở nhiều nơi nhiều tỉnh thì cũng đúc rút được nhiều kinh nghiệm và cũng học hỏi được rất là nhiều. Cũng cố gắng làm thế nào để càng ngày càng tốt hơn để đưa cái sản phẩm của Thuận Châu, của HTX và chính của bản thân gia đình thứ nhất là có thương hiệu, thứ hai là có giá trị càng ngày càng cao để thu nhập của bà con tốt hơn thì HTX cũng phát triển tốt hơn.”

Sau gần 10 năm nỗ lực vun đắp, xây dựng sản phẩm chè Trọng Nguyên, đến nay bà Nguyễn Thị Bình đã gặt hái được nhiều thành công, chè của HTX được người tiêu dùng đón nhận. Được xuất khẩu sang các thị trường quốc tế như Đài Loan và Thái Lan. Mỗi năm, tại thị trường trong nước tiêu thụ khoảng 30 - 40 tấn chè Trọng Nguyên; thị trường Đài Loan tiêu thụ khoảng 500 - 600 tấn chè búp khô, tương đương gần 3.000 tấn chè búp tươi. Sản phẩm được đánh giá là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực vào năm 2020. Năm 2021, sản phẩm OCOP 4 sao chè Trọng Nguyên là một trong những sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia. Cơ sở sản xuất của bà cũng có thêm nhiều máy móc hiện đại phục vụ việc sơ chế, sản xuất chè, đây cũng là nơi tạo nguồn lao động cho hàng chục lao động tại địa phương có công ăn việc làm ổn định. Là lao động tại HTX, anh Lường Văn Chương, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, Sơn La cho biết: “Tôi có đi làm nhiều nơi rồi nhưng bây giờ về đây làm cho bà, công việc hiện tại là làm chè, làm hàn xì, làm điện. Công việc thì ổn định, nguồn thu nhập của tôi hiện tại từ 7 – 8 triệu, làm việc với cô rất thoải mái và cô rất dễ gần, quan tâm đến cuộc sống của anh em.”

Còn chị Hoàng Kim Ngân, là thành viên HTX Bình Thuận chia sẻ: “Hơn một năm làm việc ở đây, tôi thấy bác Bình là một người phụ nữ mạnh mẽ, chăm chỉ cần cù và siêng năng. Bác cũng là người thường xuyên động viên mình cố gắng trong công việc. Thứ nhất là nâng cao kĩ năng trong công việc, thứ 2 là thúc đẩy hiêu suất nên thì sẽ có thêm thu nhập.”

Ngoài sản xuất chè, nhận thấy tiềm năng sẵn có tại địa phương, năm 2020, HTX của bà đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng để làm du lịch trên diện tích 9 ha, trong đó có 5 ha rừng nguyên sinh tạo nên khu du lịch, trải nghiệm Bình Thuận farm. Nằm trên khu vực đỉnh đổi có khí hậu mát mẻ, cảnh quan nơi đây được tạo nên bởi các loại hoa nở 4 mùa, các hệ thống vui chơi, giải trí, xây dựng 2 khu nghỉ dưỡng là các mẫu nhà sàn của dân tộc Thái, nhằm đáp ứng nhu cầu nghỉ lại của khách. Đến nay, sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, dù chưa được quảng bá nhiều, song đã có khá đông du khách trong tỉnh đến tham quan, trải nghiệm tại. Một trong những điều hấp dẫn du khách khi đến đây là được hòa mình vào công việc của bà con vùng chè, cũng như ghi lại những khoảnh khắc đẹp, ấn tượng của bản thân và được ăn những món ăn ngon đậm đà bản sắc các dân tộc Tây Bắc. Bà Nguyễn Thị Bình  chia sẻ thêm: “Quê hương Phổng Lái của tôi thật ra rất là đẹp, để mà mong muốn thì thật ra cũng đang hướng tới kết hợp với du lịch trải nghiệm nông nghiệp để gắn với sản xuất muốn nhiều người biết đến cũng để các du khách được tham quan trải nghiệm về cảnh quan, về ẩm thực, về văn hóa vùng miền Thuận Châu nói chung và Phổng Lái nói riêng thì HTX cũng đang hướng tới là du lịch trải nghiệm nông nghiệp găn với sản xuất thì cũng đang bước đầu làm, tạo điều kiện để cho là cái điểm cho du khách nghỉ ngơi và trải nghiệm được tốt. Hơn nữa là tạo công ăn việc làm thêm cho một số lao động địa phương có thu nhập ổn định và có công ăn việc làm ổn định.”

Với những thành tích đạt được trong kinh doanh, bà Nguyễn Thị Bình trở thành một trong những doanh nhân tiêu biểu của huyện Thuận Châu. Với khát vọng làm giàu mạnh mẽ và niềm đam mê với cây chè, bà Nguyễn Thị Bình đã và đang từng ngày đóng góp một phần công sức vun đắp, xây dựng quê hương Thuận Châu ngày càng phát triển.

Việt Dũng (Trung tâm TT-Vh Thuận Châu)

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Trong tháng: 1
  • Trong năm: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập