Một số câu hỏi liên quan đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của huyện Thuận Châu, Sơn La
Lượt xem: 67
Điều chỉnh địa giới hành chính xã Chiềng Ly, xã Phổng Lăng để mở rộng thị trấn Thuận Châu; thành lập xã Phổng Ly trên cơ sở sáp nhập phần còn lại của xã Phổng Lăng, xã Chiềng Ly và một phần diện tích, dân số xã Chiềng Bôm, huyện Thuận Châu

Câu 1: Tại sao cần thiết phải điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thị trấn Thuận Châu?

Thực hiện Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030;  Nghị quyết số 117/NQ-CP ngày 30/7/2023 của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025; Kết luận số 48-KL/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023- 2030, với mục tiêu:

(1) Đến năm 2025: Hoàn thành sắp xếp đối với đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% quy định; đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dần số dưới 200% quy định; đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dươi 20% và quy mô dân sô dưới 300% quy định.

 (2) Đến năm 2030: Hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã còn lại có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 100% quy định; đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 200% quy định; đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 300% quy định.

Ngày 29/8/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La đã ban hành Chỉ thị số 32-CT/TU về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 trên địa bàn tỉnh Sơn La, trong đó: giai đoạn 2023-2025: Tỉnh Sơn La phải hoàn thành việc sắp xếp đối với các đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp, gồm có 03 thị trấn của các huyện: Phù Yên, Thuận Châu, Yên Châu. Với vị trí địa lý có vai trò trung tâm kết nối, trung chuyển hàng hóa giữa thành phố Sơn La với các huyện phía Đông của tỉnh Điện Biên theo trục Quốc lộ 6, với huyện Quỳnh Nhai theo trục Quốc lộ 279 và Quốc lộ 6B. Trong giai đoạn mới, nhằm tạo động lực cho toàn huyện phát triển, Thuận Châu cần có một trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa - xã hội đủ lớn, đủ sức hút, được xây dựng, quy hoạch bài bản làm động lực, hạt nhân thúc đẩy sự phát triển của huyện cũng như vùng liên huyện, liên tỉnh.

Vì vậy, việc sắp xếp, điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thị trấn Thuận Châu, là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt và phải phấn đấu hoàn thành trong năm 2024, từ đó cần phải có sự lãnh đạo trực tiếp của các cấp ủy đảng, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; quá trình tổ chức thực hiện phải có lộ trình phù hợp, đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; dân chủ, công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, góp phần hoàn thiện tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phát huy tối đa các nguồn lực để thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống Nhân dân trong toàn huyện.

Câu 2: Tại sao cần thiết phải sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã?

Theo quy định tại Điều 9, Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thườngvụ Quốc hội Điều 9a, Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022 của Ủy ban Thườngvụ Quốc hội khóa XV sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 thì thị trấn miền núi, vùng cao phải có diện tích tối thiểu là 14 km2 dân số từ 4.000 người trở lên. Hiện nay, thị trấn Thuận Châu chỉ đạt 6,6% tiêu chuẩn về diện tích và 115,5% tiêu chuẩn về dân số, là ĐVHC thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2023-2025. Do đó, việc mở rộng thị trấn Thuận Châu là yêu cầu bắt buộc phải thực hiện để đáp ứng được các quy định của pháp luật về diện tích tự nhiên, quy mô dân số của ĐVHC đô thị cấp xã.

Xã Chiềng Ly và xã Phổng Lăng là 2 xã giáp ranh có sự kết nối với thị trấn theo Quốc lộ 6 (xã Chiềng Ly có địa giới hành chính gần như bao trọn thị trấn), do có đường địa giới hành chính gần như bao quanh thị trấn Thuận Châu nên xã Chiềng Ly và xã Phổng Lăng có sự phát triển hạ tầng, kinh tế - xã hội gắn bó chặt chẽ với thị trấn Thuận Châu, đặc biệt là khu vực dọc theo Quốc lộ 6.

Từ những cơ sở thực tiễn và pháp lý trên đây, cấp ủy, chính quyền của tỉnh, huyện đã rất quan tâm, xây dựng và phê duyệt các chủ trương về điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính. Cụ thể, Công văn số 922-CV/TU ngày 17/9/2021 của Tỉnh ủy Sơn La về việc điều chỉnh ĐGHC cấp xã để mở rộng thị trấn huyện Phù Yên, huyện Thuận Châu; Nghị quyết số 05-NQ/ĐH ngày 30/7/2020 Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025; Chương trình hành động số 01-CTr/HU ngày 10/8/2020 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI nhiệm kỳ 2020-2025; Quyết định số 383/QĐ-UBND ngày 03/3/2024 của UBND tỉnh Sơn La về việc phê duyệt Chương trình phát triển đô thị tỉnh Sơn La đến năm 2030.

Ngoài ra, việc điều chỉnh địa giới hành chính xã Chiềng Ly, xã Phổng Lăng để mở rộng thị trấn Thuận Châu có phạm vi trùng với phạm vi Quy hoạch chung xây dựng đô thị thị trấn Thuận Châu, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La đến năm 2035 được UBND tỉnh Sơn La phê duyệt tại Quyết định số 1005/QĐ-UBND ngày 09/6/2023, là bước đi phù hợp với thực tiễn phát triển và quy định pháp luật về sắp xếp, điều chỉnh địa giới ĐVHC đô thị.

Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thị trấn Thuận Châu, phần còn lại của xã Phổng Lăng và xã Chiềng Ly không đáp ứng đủ tiêu chuẩn đối với đơn vị hành chính xã, quy định tại Điều 3 Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Mặt khác, 2 xã Chiềng Ly và Phổng Lăng cùng được tách xã từ xã Hua Mường, có thành phần dân tộc chủ yếu là người Thái, cùng với khu vực phía Bắc của xã Chiềng Bôm hợp thành một khu vực có đặc điểm sản xuất, dân cư, phong tục tập quán, văn hóa tương đồng, phù hợp để hình thành một đơn vị hành chính mới, vừa đảm bảo tiêu chuẩn của đơn vị hành chính, vừa phù hợp với thực tiễn đời sống sinh hoạt của nhân dân và quản lý nhà nước. Ngoài ra, việc sáp nhập phần còn lại của xã Chiềng Ly, xã Phổng Lăng và một phần của xã Chiềng Bôm để thành lập xã mới làm giảm một đơn vị hành chính cấp xã, phù hợp với chủ trương Đảng, Nhà nước nhằm tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Từ những vấn đề nêu trên, việc điều chỉnh địa giới hành chính xã Chiềng Ly, xã Phổng Lăng để mở rộng thị trấn Thuận Châu; thành lập xã Phổng Ly trên cơ sở sáp nhập phần còn lại của xã Phổng Lăng, xã Chiềng Ly và một phần của xã Chiềng Bôm là hết sức cần thiết, nhằm thúc đẩy sự phát triển nhanh, mạnh của đô thị hạt nhân Thuận Châu, đảm bảo các điều kiện về chức năng đô thị, phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và đảm bảo quy mô diện tích tự nhiên, dân số theo tiêu chuẩn. Đồng thời, việc sáp nhập phần còn lại của xã Chiềng Ly, xã Phổng Lăng và một phần của xã Chiềng Bôm cũng đảm bảo sự phù hợp trên thực tiễn về tự nhiên và phát triển kinh tế - xã hội.

Câu 3: Tên gọi của xã mới do được thành lập phần còn lại về diện tích và dân số của 2 xã Chiềng Ly và Phổng Lăng, và 1 phần dân số và diện tích của xã Chiềng Bôm là gì? Ý nghĩa tên gọi?

Về tên gọi của xã mới, do được thành lập với thành phần dân cư chính của 2 xã Chiềng Ly và Phổng Lăng, cũng là 2 xã có truyền thống lịch sử, hình thành lâu đời, nên phương án tên xã Phổng Ly là phù hợp, Phổng Ly vừa là tên ghép của tên 2 xã cũ, vừa có ý nghĩa là “một bãi đất bằng phẳng, bãi đất lành”.

Câu 4. Hiện trạng của đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp như thế nào?

Thị trấn Thuận Châu

Thị trấn Thuận Châu là đô thị miền núi nên quy mô dân số của thị trấn Thuận Châu phải đạt từ 4.000 người trở lên (vận dụng quy định Điều 9a Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính); Diện tích tự nhiên: 0,92 km2 (đạt 6,6% so với tiêu chuẩn); Quy mô dân số: 4.635 người (đạt 115,9% so với tiêu chuẩn), số dân là người dân tộc thiểu số: 1.156 người, chiếm tỷ lệ 24,9%.

Câu 5: Hiện trạng Đơn vị ĐVHC cấp xã liền kề có điều chỉnh địa giới hành chính khi thực hiện phương án sắp xếp như thế nào?

Chiềng Ly

Xã Chiềng Ly là đơn vị hành chính nông thôn thuộc khu vực miền núi, vùng cao có 99,3% dân số là người dân tộc thiểu số nên quy mô dân số tối thiểu phải đạt là 1.000 người trở lên (vận dụng quy định tại Điều 3a Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13); Diện tích tự nhiên: 31,56 km2 (đạt 61,3% so với tiêu chuẩn); Quy mô dân số: 8.906 người (đạt 890,6% so với tiêu chuẩn), số dân là người dân tộc thiểu số: 8.841 người, chiếm tỷ lệ 99,3%.

Phổng Lăng

          Xã Phổng Lăng là đơn vị hành chính nông thôn thuộc khu vực miền núi, vùng cao có 99,2% dân số là người dân tộc thiểu số nên quy mô dân số tối thiểu phải đạt là 1.000 người trở lên (vận dụng quy định tại Điều 3a Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13);  Diện tích tự nhiên: 16,13 km2 (đạt 32,3% so với tiêu chuẩn); Quy mô dân số: 5.847 người (đạt 584,7% so với tiêu chuẩn), số dân là người dân tộc thiểu số: 5.799 người, chiếm tỷ lệ 99,2%.

2.3. Xã Chiềng Bôm

Xã Chiềng Bôm là đơn vị hành chính nông thôn thuộc khu vực miền núi, vùng cao có trên 99,6% dân số là người dân tộc thiểu số nên quy mô dân số tối thiểu phải đạt là 1.000 người trở lên (vận dụng quy định tại Điều 3a Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13); Diện tích tự nhiên: 91,89 km2 (đạt 183,8% so với tiêu chuẩn); Quy mô dân số: 6.942 người (đạt 694,2% so với tiêu chuẩn), số dân là người dân tộc thiểu số: 6.917 người, chiếm tỷ lệ 99,6%.

Câu 6.  Phương án Mở rộng thị trấn như thế nào?

- Mở rộng thị trấn trên cơ sở nhập, điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên 13,09 km2 và quy mô dân số 5.641 người của xã Chiềng Ly (gồm 10 bản: Bó Tảư, Tà Ngần, Pán, Nà Lĩnh, Bó Lanh, Nà Cài, Chiềng Ly, Đông, Huông, Bon Nghè); một phần diện tích tự nhiên 4,19 km2 và quy mô dân số 2.363 người của xã Phổng Lăng (gồm 03 bản: Còng, Bỉa, Dửn và một phần của bản Thái Cóng) vào thị trấn Thuận Châu.

- Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên 18,47 km2 và quy mô dân số 3.265 người còn lại của xã Chiềng Ly; diện tích tự nhiên 11,94 km2 và quy mô dân số 3.124 người còn lại của xã Phổng Lăng và một phần diện tích tự nhiên 25,38 km2 và quy mô dân số 1.940 người của xã Chiềng Bôm (gồm 05 bản: Hốn, Ít Cang, Khem, Nà Tắm, Tịm) để thành lập xã mới. Dự kiến tên gọi của xã mới sau sắp xếp là xã Phổng Ly.

Câu 7.  Cơ sở và lý do của việc sắp xếp?

a) Đối với thị trấn Thuận Châu

 Thị trấn Thuận Châu là thị trấn huyện lỵ của huyện Thuận Châu có diện tích tự nhiên chưa đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định (đạt 6,6%). Vì vậy, thị trấn Thuận Châu là đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2023-2025 theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 1 Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.

Việc mở rộng thị trấn Thuận Châu phù hợp với các quy hoạch có liên quan đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 128 Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi tại điểm b, khoản 2, Điều 57 Luật Quy hoạch năm 2017) như: Quy hoạch tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1676/QĐ-TTg ngày 25/12/2023; Chương trình phát triển đô thị tỉnh Sơn La đến năm 2030 được UBND tỉnh Sơn La phê duyệt tại Quyết định số 383/QĐ-UBND ngày 03/3/2024; Quy hoạch chung thị trấn Thuận Châu, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La đến năm 2035 được phê duyệt tại Quyết định số 1005/QĐ-UBND ngày 09/6/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La.

Việc sắp xếp, mở rộng thị trấn Thuận Châu là cấp thiết do thị trấn hiện tại không đáp ứng được yêu cầu phát triển đô thị trong giai đoạn mới. Mở rộng thị trấn tạo không gian, quỹ đất để phát triển hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, xứng tầm là Trung tâm chính trị - kinh tế - xã hội của huyện làm động lực phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI số 05-NQ/ĐH ngày 30/7/2020 nhiệm kỳ 2020-2025.

b) Đối với việc thành lập xã Phổng Ly trên cơ sở sáp nhập phần còn lại của xã Phổng Lăng, xã Chiềng Ly và một phần diện tích, dân số xã Chiềng Bôm, huyện Thuận Châu

Sau khi điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên và dân số để mở rộng thị trấn Thuận Châu, phần còn lại của xã Phổng Lăng và xã Chiềng Ly đều không đảm bảo tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên của ĐVHC cấp xã theo quy định (đạt dưới 50% tiêu chuẩn theo quy định tại tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13). Trong khi đó, các khu vực này có sự kết nối chặt chẽ về mặt tự nhiên, giao thông và kinh tế xã hội, dân cư có sự tương đồng về văn hóa, tập tục sinh hoạt. Việc sáp nhập phần còn lại của xã Phổng Lăng, xã Chiềng Ly và một phần xã Chiềng Bôm để thành lập xã mới tạo thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, làm giảm 01 đơn vị hành chính cấp xã, phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã, nhằm xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Về tên gọi của xã mới (xã Phổng Ly), do được thành lập với thành phần dân cư chính của 2 xã Chiềng Ly và Phổng Lăng, cũng là 2 xã có truyền thống lịch sử, hình thành lâu đời, nên phương án tên xã Phổng Ly là phù hợp, đảm bảo đoàn kết dân tộc, phù hợp với lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương, Phổng Ly vừa là tên ghép của tên 2 xã cũ, vừa có ý nghĩa là “một vùng đất bằng phẳng, vùng đất đẹp, đất lành”.

Câu 8. Kết quả sau sắp xếp đơn vị hành chính như thế nào?

a) Thị trấn Thuận Châu

Thị trấn Thuận Châu sau sắp xếp đã đạt 03/04 tiêu chuẩn của thị trấn (còn 01 tiêu chuẩn dự kiến đạt) theo quy định tại Điều 9 Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 được sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cụ thể:

(1) Diện tích tự nhiên: 18,2 km2 (đạt 130% so với tiêu chuẩn): Đạt.

(2) Quy mô dân số: 12.639 người (đạt 316% so với tiêu chuẩn): Đạt.

(3) Phân loại đô thị: Hiện nay UBND huyện đang triển khai quy trình đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh công nhận thị trấn Thuận Châu (hình thành sau sắp xếp) đạt tiêu chuẩn của đô thị loại V: dự kiến đạt (trước ngày 30/5/2024).

(4) Cơ cấu trình độ phát triển kinh tế - xã hội (theo quy định tại Phụ lục kèm theo Nghị quyết 27/2022/UBTVQH15): Đạt.

TT

Các chỉ tiêu đánh giá

Đơn vị

Mức quy định

Thực trạng

Đánh giá

1

Cân đối thu chi ngân sách

Tỷ đồng

Đủ

(Thu: 5,13; Chi: 5,07)[1]

Đạt

2

Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều trung bình 3 năm gần nhất (2020-2022)

%

Đạt bình quân của huyện (30,7%)

11,6

Đạt

3

Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp [2]

%

45,5

47,3

Đạt

b) Xã Phổng Ly (xã mới thành lập):

Xã Phổng Ly hình thành sau khi sắp xếp đơn vị hành chính đảm bảo đạt 02/02 theo tiêu chuẩn của xã theo quy định tại Điều 3 Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15), cụ thể:

(1) Diện tích tự nhiên: 55,79 km2 (đạt 111,6% so với tiêu chuẩn): Đạt

(2) Quy mô dân số: 8.329 người (đạt 832,9% so với tiêu chuẩn): Đạt

c) Xã Chiềng Bôm còn lại có:

Xã Chiềng Bôm còn lại sau khi sắp xếp đơn vị hành chính đảm bảo đạt 02/02 theo tiêu chuẩn của xã theo quy định tại Điều 3 Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15), cụ thể:

(1) Diện tích tự nhiên: 66,51 km2 (đạt 133,0% so với tiêu chuẩn): Đạt.

(2) Quy mô dân số: 5.002 người (đạt 500,2% so với tiêu chuẩn): Đạt.

Số lượng ĐVHC cấp xã của huyện Thuận Châu sau sắp xếp

- Số lượng đơn vị hành chính cấp xã trước khi sắp xếp: 29 đơn vị (gồm 01 thị trấn và 28 xã).

- Số lượng đơn vị hành chính cấp xã sau khi sắp xếp: 28 đơn vị (gồm 01 thị trấn và 27 xã).

- Số lượng đơn vị hành chính cấp xã giảm do sắp xếp: 01 đơn vị (sắp xếp phần diện tích, dân số còn lại xã Chiềng Ly và xã Phổng Lăng và một phần diện tích, dân số của xã Chiềng Bôm để thành lập xã Phổng Ly).

Câu 9:  Việc thành lập Tổ lấy ý kiến cử tri như thế nào?

- UBND cấp xã ban hành quyết định thành lập Tổ lấy ý kiến cử tri ở một bản hoặc nhiều bản.

- Tổ lấy ý kiến cử tri có từ 05 đến 07 thành viên.

          - Cơ cấu, thành phần Tổ lấy ý kiến cử tri gồm:

+ Tổ trưởng là Bí thư chi bộ hoặc Trưởng bản;

+ Tổ phó là Trưởng ban Công tác mặt trận ở bản;

          + Các Tổ viên là người hoạt động không chuyên trách ở bản, người trực tiếp tham gia hoạt động ở bản hoặc cử tri có uy tín ở bản;

+ Thư ký là cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã hoặc giáo viên đang công tác trên địa bàn.

Câu 10: Tổ lấy ý kiến cử tri có nhiệm vụ gì?

-  Nhận phiếu lấy ý kiến cử tri do UBND xã cung cấp kèm theo danh sách cử tri; - Phân công cho các thành viên phát phiếu đến các hộ gia đình;

- Thực hiện việc kiểm phiếu; xác định số lượng phiếu đồng ý, không đồng ý, tính tỷ lệ số phiếu đồng ý, không đồng ý trên tổng số cử tri trên địa bàn bản; tổng hợp nhóm các ý kiến khác (nếu có) để ghi vào biên bản;

- Lập biên bản kiểm phiếu lấy ý kiến cử tri theo mẫu gửi kèm;

- Niêm phong toàn bộ phiếu lấy ý kiến để bàn giao cho UBND xã.

 Câu 11: Tổ chức Hội nghị quán triệt và phát Phiếu lấy ý kiến cử tri được triển khai như thế nào?

          - Tổ chức Hội nghị cấp xã:

+ Sau khi có văn bản chỉ đạo của cấp có thẩm quyền về việc tổ chức lấy ý kiến cử tri, UBND cấp xã căn cứ tình hình thực tiễn của địa phương để tổ chức hội nghị cấp xã để triển khai công tác tổ chức lấy ý kiến cử tri trên địa bàn.

          + Thành phần: Cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở bản, thành viên Tổ lấy ý kiến cử tri và các thành phần khác có liên quan.

          + Nội dung: Quán triệt các văn bản chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến cử tri; Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến cử tri của UBND xã; công tác thông tin, tuyên truyền về việc lấy ý kiến cử tri; tài liệu phục vụ việc lấy ý kiến; Quyết định thành lập các Tổ lấy ý kiến cử tri; cách phát phiếu, tổng hợp kết quả và cách tính tỷ lệ cử tri tán thành Đề án; công khai kết quả lấy ý kiến cử tri; báo cáo kết quả lấy ý kiến cử tri,…; UBND cấp xã tiến hành bàn giao Phiếu lấy ý kiến cử tri, tài liệu lấy ý kiến cử tri kèm danh sách cử tri cho các Tổ lấy ý kiến cử tri.

          - Tổ chức Hội nghị ở bản, cụm bản (khu vực lấy ý kiến):

+ Tổ lấy ý kiến cử tri thông báo triệu tập hội nghị theo từng bản hoặc cụm bản (khu vực lấy ý kiến cử tri): nêu rõ thời gian, địa điểm, nội dung tổ chức hội nghị; thành phần triệu tập tham dự hội nghị. Thông báo triệu tập phải được gửi trực tiếp tới hộ gia đình chậm nhất 03 ngày trước ngày tổ chức hội nghị bằng văn bản hoặc qua hệ thống truyền thanh của thôn, tổ dân phố, qua ứng dụng mạng xã hội hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật do thôn, tổ dân phố thống nhất thiết lập. Trường hợp cần thiết, thành viên tổ lấy ý kiến thông báo trực tiếp tới hộ gia đình.

+ Nội dung: (1) Tổ trưởng Tổ lấy ý kiến cử tri tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu và nội dung hội nghị, giới thiệu thư ký hội nghị. Thư ký hội nghị có trách nhiệm ghi biên bản tại hội nghị; (2) Cử tri kiểm tra thông tin danh sách cử tri theo từng hộ gia đình; (3) Tổ lấy ý kiến cử tri trình bày tóm tắt Đề án gồm: Phương án sắp xếp hoặc thành lập đơn vị hành chính; tóm tắt tiêu chuẩn của đơn vị hành chính (nếu có) và các điều kiện sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính; mục đích, ý nghĩa của việc sắp xếp đơn vị hành chính…; (4) Cử tri thảo luận những nội dung có liên quan đến Đề án; (5) Thành viên Tổ lấy ý kiến cử tri giải đáp những ý kiến, đề xuất (nếu có); (6) Tổ lấy ý kiến cử tri phổ biến, quán triệt và hướng dẫn cử tri điền phiếu; thông báo thời hạn lấy ý kiến; thời gian, địa điểm cử tri bỏ phiếu lấy ý kiến.

Câu 12. Công tác Phát phiếu lấy ý kiến cử tri được thực hiện như thế nào?

+ Tổ lấy ý kiến cử tri phát phiếu cho cử tri theo đại diện hộ gia đình tại Hội nghị quán triệt ở bản, cum bản, trường hợp cử tri vắng mặt thì Tổ lấy ý kiến cử tri phải mang Phiếu lấy ý kiến đến từng hộ gia đình để phát phiếu (đại diện hộ gia đình ký xác nhận việc lấy phiếu vào danh sách cử tri).

+ Sau khi nhận phiếu, cử tri nghiên cứu xem xét cho ý kiến vào ô đồng ý hoặc không đồng ý hoặc có ý kiến khác vào phần ý kiến khác, sau đó ký tên vào Phiếu lấy ý kiến cử tri. Trong thời gian lấy ý kiến, trường hợp cần đổi phiếu do phiếu hỏng hoặc viết sai thông tin, cử tri liên hệ thành viên Tổ lấy ý kiến cử tri để đổi phiếu. c) Tổ chức Hội nghị lấy ý kiến cử tri

+ Tổ lấy ý kiến cử tri triệu tập hội nghị lấy ý kiến để cử tri tham gia bỏ phiếu lấy ý kiến theo từng bản hoặc cụm bản (khu vực lấy ý kiến) theo thời gian đã được quy định.

+ Hướng dẫn cử tri thực hiện việc bỏ phiếu vào hòm phiếu đảm bảo dân chủ, khách quan. Cử tri đại diện hộ gia đình tham dự hội nghị bỏ Phiếu lấy ý kiến vào hòm phiếu được niêm yết tại hội nghị.

+ Tổ lấy ý kiến cử tri có trách nhiệm theo dõi, rà soát danh sách cử tri đã tham gia bỏ phiếu theo từng hộ gia đình, trường hợp cử tri không tham gia bỏ phiếu, Tổ lấy ý kiến cử tri có trách nhiệm thông tin, tuyên truyền, vận động cử tri tham gia bỏ phiếu lấy ý kiến hoặc mang hòm phiếu đến từng hộ gia đình để cử tri bỏ phiếu vào hòm phiếu, đảm bảo 100% cử tri theo từng hộ gia đình trên địa bàn phải tham gia bỏ phiếu lấy ý kiến.

Câu 13. Hướng dẫn việc kiểm phiếu?

 - Trước khi thực hiện kiểm phiếu, Tổ trưởng Tổ lấy ý kiến cử tri mời 02 cử tri (là người biết chữ), có uy tín trong Nhân dân để chứng kiến việc kiểm phiếu, việc kiểm phiếu gồm nội dung sau: Tổng số cử tri ở bản (bằng số cử tri ghi trong danh sách cử tri); số lượng cử tri tham gia; số lượng phiếu thu vào, tính tỷ lệ số phiếu thu vào trên số phiếu phát ra; xác định số lượng phiếu hợp lệ 1 , phiếu không hợp lệ 2 ; tỷ lệ % số phiếu hợp lệ, không hợp lệ trên số lượng phiếu thu vào. Tỷ lệ % cử tri tán thành3 , không tán thành đề án .

- Tổ lấy ý kiến cử tri tiến hành kiểm phiếu đảm bảo chính xác, đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn của cấp trên, lập Biên bản kiêm phiếu theo từng nội dung trong Phiếu lấy ý kiến cử tri (kết quả tính toán các tỷ lệ đều được làm tròn đến 2 chữ số thập phân).

- Sau khi lập Biên bản kiểm phiếu, tiến hành tổng hợp kết quả lấy ý kiến cử tri theo từng nội dung trong Phiếu lấy ý kiến cử tri (kết quả tính toán các tỷ lệ đều được làm tròn đến 2 chữ số thập phân).

- Sau khi hoàn thành việc kiểm phiếu, Tổ lấy ý kiến cử tri có trách nhiệm niêm phong toàn bộ phiếu hợp lệ, không hợp lệ, phiếu hỏng, phiếu chưa sử dụng bàn giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm lưu trữ phiếu được niêm phong theo quy định của pháp luật về lưu trữ.

Câu 14. Nội dung tổng hợp kết quả, báo cáo kết quả của xã?

- Tổng hợp biên bản họp, phiếu lấy ý kiến của cử tri;

- Trong thời gian tối đa 05 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành việc lấy ý kiến cử tri, UBND cấp xã tổng hợp và lập báo cáo kết quả lấy ý kiến cử tri gửi HĐND cùng cấp và UBND cấp huyện.

- HĐND cấp xã tổ chức kỳ họp, ban hành nghị quyết thông qua chủ trương thành lập, điều chỉnh địa giới hành chính, giải thể đơn vị hành chính cấp xã (

Câu 15. Quy định về phiếu như thế nào?

- Phiếu hợp lệ là phiếu đúng mẫu quy định, có đóng dấu của Ủy ban nhân dân cấp xã, phải được đánh dấu vào 01 trong 02 ô “đồng ý” và “không đồng ý” Ngoài ra, cử tri có quyền được ghi ý kiến khác vào phiếu theo quy định.

- Phiếu không hợp lệ là phiếu không đúng mẫu quy định; phiếu không đóng dấu của Ủy ban nhân dân cấp xã; phiếu đánh dấu vào cả hai ô đồng ý và không đồng ý hoặc cả hai ô đều không đánh dấu.

- Đối với các dấu hiệu khác của phiếu nghi là không hợp lệ, Tổ lấy ý kiến cử tri thảo luận xem xét quyết định.

Câu 16. Cách xác định tỷ lệ phiếu như thế nào?

- Tỷ lệ cử tri đồng ý = Tổng số cử tri đồng ý/Tổng số cử tri trên địa bàn.

- Tỷ lệ cử tri không đồng ý = Tổng số cử tri không đồng ý/Tổng số cử tri trên địa bàn.

Câu 17. Thời gian triệu tập kỳ họp HĐND huyện?

- Trong thời gian tối đa 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của UBND cấp xã, UBND cấp huyện tổng hợp và lập báo cáo kết quả lấy ý kiến cử tri trên địa bàn trình HĐND cùng cấp và UBND cấp tỉnh (qua Sở Nội vụ).

 - HĐND cấp huyện tổ chức kỳ họp, ban hành nghị quyết thông qua chủ trương thành lập, điều chỉnh địa giới hành chính, giải thể đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã (trước đó UBND chủ động báo cáo với Thường trực HĐND cùng cấp để triệu tập kỳ họp HĐND đảm bảo tiến độ, đúng luật.



[1] Phiếu thu thập số liệu về thu, chi ngân sách của Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Thuận Châu.

[2] Khoản 1, Điều 9a Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 về Tiêu chuẩn của đơn vị hành chính đô thị có yếu tố đặc thù “Đơn vị hành chính đô thị ở miền núi, vùng cao hoặc có đường biên giới quốc gia thì mức tối thiểu của tiêu chuẩn quy mô dân số bằng 50%, mức tối thiểu của tiêu chuẩn cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội bằng 70% mức quy định đối với đơn vị hành chính đô thị tương ứng”.

Tác giả: Phòng Nội vụ huyện Thuận Châu
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Trong tháng: 1
  • Trong năm: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập