20/08/2019
Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức xã trên địa bàn tỉnh Sơn La hiện nay
Lượt xem: 32014
Cấp xã có vị trí và vai trò hết sức quan trọng trong việc tổ chức và
vận động nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà
nước, tăng cường đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân,
huy động mọi khả năng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo và giữ vững ổn định
chính trị - xã hội để thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, vì mục tiêu dân
giàu, nước mạnh dân chủ, công bằng, văn minh. Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần
thứ 5 BCHTW Đảng khóa IX về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở
xã, phường, thị trấn; Kết luận số 64-KL/TW, Hội nghị lần thứ bảy BCHTW Đảng
khóa XI “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ
Trung ương đến cơ sở” ; Nghị định 92/2010/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của
Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối
với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những
người hoạt động không chuyên trách ở xã,…Trong những năm qua,
cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Sơn La đã tập trung lãnh đạo, chỉ
đạo và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ
cán bộ, công chức xã trên địa bàn tỉnh.
Tính đến ngày 30/6/2019, tổng số cán bộ công chức cấp xã trên địa
bàn tỉnh 4.557 người, trong đó: Nữ 990 người chiếm 21,72%, đảng viên 4.020
người chiếm 88,21%, người dân tộc thiểu số 3.926 người chiếm 86,2%, trình độ
văn hóa phổ thông 4.333 người chiếm 95%, trình độ chuyên môn trung cấp trở lên
4.382 người chiếm 96,16% (tăng 15,8% so với năm 2015); trình độ lý luận chính
trị trung cấp trở lên 3.205 người chiếm 70,33% (tăng 26,65% so với năm 2015);
trình độ tin học đã qua bồi dưỡng 3.440 người chiếm 75,49%; trình độ ngoại ngữ
đã qua bồi dưỡng 1.219 người chiếm 27%.
Nhìn chung, công tác tuyển dụng, đào tạo,
bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chế độ, chính sách cán bộ,
công chức cấp xã, đã được các cấp uỷ Đảng, chính quyền quan tâm chỉ
đạo, thực hiện, từ đó chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức xã
từng bước được nâng lên, ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu thực hiện
nhiệm vụ trong tình hình mới. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, chất lượng
đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã còn một số hạn chế, cụ thể: Cán bộ, công chức
cấp xã chưa được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ từ trung cấp trở lên còn chiếm
tỷ lệ 3,84%; năng lực lãnh đạo của một số cán bộ cấp xã, nhất là cán bộ chủ
chốt còn nhiều hạn chế, thiếu năng động, chủ động giải quyết công việc; năng
lực và kỹ năng hành chính, kỹ năng vận dụng các kiến thức đã được đào tạo, bồi
dưỡng của một số cán bộ, công chức vào công việc cụ thể còn yếu; công tác quy
hoạch, tạo nguồn cán bộ, công chức còn có mặt hạn chế, tỷ lệ cán bộ trẻ,
cán bộ nữ còn thấp; việc đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức làm căn cứ để bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, đào tạo,
bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách đối với cán bộ, công
chức ở một số nơi thực hiện chưa nghiêm,...
Để tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ,
công chức cấp xã trong giai đoạn tới, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục
thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Thứ nhất, đổi mới, nâng cao chất lượng tuyển dụng và bố trí, sử dụng
công chức cấp xã; sửa đổi, bổ sung các quy định về tiêu chuẩn cán bộ cấp xã;
đổi mới, quy trình lựa chọn, bầu cử cán bộ cấp xã.
Thứ hai, tăng cường, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng; đào tạo, bồi dưỡng phải theo quy hoạch, gắn
với việc sử dụng; đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng, chú trọng việc nâng cao kỹ năng hành chính, kỹ năng xử lý và
giải quyết vấn đề cho cán bộ, công chức cấp xã.
Thứ ba, đổi mới công tác đánh giá cán bộ, công chức cấp xã; việc đánh giá phải đảm bảo nội dung, quy trình
theo quy định, công khai, dân chủ với tiêu chuẩn rõ ràng, minh bạch; tạo điều
kiện để nhân dân tích cực tham gia giám sát, đánh giá và góp ý cho đội ngũ cán
bộ, công chức cấp xã. Gắn việc đánh giá với công tác bố trí, sử dụng, bổ nhiệm,
đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách đối với cán
bộ, công chức.
Thứ tư, tiếp tục thực hiện luân chuyển cán bộ nhằm từng bước
khắc phục tình trạng khép kín, cục bộ địa phương. Việc thực hiện điều động,
luân chuyển lãnh đạo các phòng, ban của huyện về giữ các chức danh chủ chốt ở
các xã có tình hình phức tạp, yếu kém trong hoạt động của hệ thống chính trị cơ
sở; đồng thời luân chuyển cán bộ từ xã lên huyện nhằm kết hợp đào tạo, bồi
dưỡng cán bộ xã dự nguồn các chức danh chủ chốt ở cơ sở.
Thứ năm, Tăng cường công tác quản lý và tiếp tục nâng cao
kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vu, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ,
công chức cấp xã.
Nguồn: Sở Nội vụ